Monday, October 17, 2016

TRUYỆN KÝ -

Tuesday, February 19, 2013

PHẠM THÀNH CHÂU * HÀM RĂNG GIẢ

Chuyện hàm răng giả của Tư Móm

Tác Giả
Phạm Thành Châu
Tôi xin kể bạn nghe "Một chuyệïn tình". Đương nhiên, chuyện tình bao giờ cũng phải dang dở, chia lìa, cho đúng kiểu của tiểu thuyết, vì nếu là chuyện đời thường, yêu nhau, cưới nhau, sống với nhau đến đầu bạc răng long thì đã thành "ác mộng" rồi, tình tang gì nữa! Vì mấy mươi năm sống với nhau, dung nhan ai cũng xuống cấp thê thảm. Tình yêu cũng xuống đến số không. Bạn thử liếc nhìn người phối ngẫu của mình mà không thở dài mới là giỏi. Dù xưa kia, anh, chị (còn xinh đẹp), có mê nhau, ham nhau đến cỡ nào đi nữa thì giờ đây cũng chẳng buồn nhìn nhau. "Bi kịch của tình yêu là sự lãnh đạm" (Somerset Maugham). Tâm trạng ông nào cũng não nề nhưng vẫn làm như rất hạnh phúc để sống cho qua những ngày cuối đời. Chết là thoát. Bởi vậy mới có chuyện "thật" sau đây: Một ông hấp hối, đang thở những hơi thở cuối cùng để tị nạn qua bên kia thế giới. Bà vợ khóc lóc "Ông ơi! Ông đừng chết. Ông mà chết thì tôi chết theo ông". Ông chồng hoảng kinh vùng dậy la lên "Tôi lạy bà. Để tôi đi một mình" rồi lăn ra chết thiệt.

Thời gian rất công bình. Vua chúa hay ăn mày đều phải già lão. Quý bà có đem tiền nộp cho các mỹ viện thì cũng chống cự ít lâu rồi già vẫn hoàn già! Vì chuyện tôi kể sau đây là chuyện thật của hai người lớn tuổi, có thể khiến bạn, đọc đến hết chuyện, sẽ lắc đầu chán nản "Chẳng hay ho gì! Tình yêu đâu? Dở dang, chia lìa đâu? Mà cũng chẳng thấy vận tải, chuyên chở triết lý, ẩn dụ gì để người đọc suy tư! Cha nầy (tác giả) đánh lừa mình. Mất thì giờ!" Nhưng tôi biết, mấy ông bà tìm đọc tôi để "giết thì giờ" mà! Cứ đọc đi. Cuối chuyện sẽ có một câu "trích dẫn" rất thâm thúy.

Thắm Nguyễn

Chuyện như thế nầy. Sau năm 1975, mấy ông bà quân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù cải tạo. Nghĩa là khổ sai biệt xứ (đày ra vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam) hàng chục năm, chết như rạ vì lao động quá sức, vì đói lạnh, vì bịnh tật mà không thuốc men. Nhưng quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa, còn may mắn, vì sau hàng chục năm tù, ai sống sót, ra tù thì được chính phủ Mỹ đón qua Mỹ sinh sống. Khoảng đầu năm 1990, chương trình HO bắt đầu. Người tù trẻ nhất cũng trên bốn mươi, nhưng trông đã hom hem, ốm yếu vì ở tù Cộng Sản đâu phải đi nghỉ hè. Qua đến xứ Mỹ, ai cũng lăn lưng vào việc kiếm sống cho bản thân và vợ con. Ông bà nào tha một lũ con qua thì khổ. Làm bao nhiêu cũng không đủ bỏ vào mấy cái tàu há mồm chờ sẵn. Nhưng đáng sợ nhất là mấy cái bills. Cuối tháng ký check mệt nghỉ. Mấy ông bà HO chỉ làm được những nghề chân tay, tiền công rất thấp. Có người làm 70, 80 giờ một tuần. Sáng tinh mơ đi, khuya mới về. Vậy mà không đủ trả cho các chi phí. Riêng tiền nhà đã trên nghìn đô rồi! Có mấy ông độc thân là hạnh phúc nhất. Chỉ cần kiếm đủ bỏ mồm, trả tiền thuê phòng trọ là có quyền thảnh thơi, cà phê cà pháo với bạn bè.       

Chuyện nầy kể về một ông HO độc thân như vầy.       

Anh ta tên Tư được gọi là Tư Móm, vì lúc còn trong tù Cộng Sản, bị vệ binh dộng báng súng vô miệng. Cả hàm răng rụng ráo trọi. Bạn sẽ hỏi "Tại sao bị dộng báng súng?". Tù ngụy thì "cách (cái) mạng" muốn bắn bỏ lúc nào chẳng được. Dĩ nhiên phải có lý do.
Tù đi lao động ngoài rừng. Vệ binh kêu một tên tù mà mình không ưa "Ê. Anh kia đến đây bảo" Tù đến. Vệ binh bảo "Lại đằng kia bẻ cho tôi nhánh cây" Tù quay lưng đi một quãng thì được tặng nguyên một băng AK. Vệ binh bình thản giải thích. "Tù trốn, bỏ chạy, kêu không chịu đứng lại".

Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đang thanh bình, người dân miền Nam lo làm ăn sinh sống, không đụng chạm, gây thù chuốc oán gì với miền Bắc, vậy mà đảng Cộng Sản kích động dân miền Bắc căm thù dân miền Nam "Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời... (bài hát Giải Phóng Miền Nam). Từ năm 1961, với súng đạn Nga, Tàu, họ kéo rốc vào miền Nam bắn giết, chôn sống đồng bào vô tội, pháo kích vào trường học, giật mìn xe đò... Đảng bảo căm thù thì căm thù? Nay thấy "kẻ thù” (tù) trước mặt mà không giết được, bộ đội, công an tức lắm! Nhân chuyện Tư Móm mất răng, tôi xin lang bang qua chuyện răng cỏ của tù cải tạo. Trong tù, chết nhiều nhất là bị kiết lỵ, một thứ bịnh lây lan rất nhanh mà không có trụ sinh. Năm ba bữa là "đi". Đau răng, sưng răng không chết nhưng khủng khiếp lắm. Mấy ông nhà binh, đạn bắn thủng bụng mà vẫn bình tĩnh điều động đồng đội chiến đấu, nhưng đau răng thì mất tinh thần, chân tay bủn rủn. Thuốc giảm đau không có, trụ sinh cũng không. Chỉ còn biết kêu lên "Ai nhổ giùm tôi cái răng đau?". Có ngay! Lúc còn ở trại tù Xuyên Mộc có ông tù cựu thiếu tá, bác sĩ Thạch, sẵn sàng giúp cho. Người đau răng hả họng ra cho ông ta dòm ngó để xác định cái nào sưng, xong đem đồ nghề ra. Đơn giản thôi. Một cái kềm nhổ đinh, một đoạn kẽm gai đập dẹp, mài bén, một chút bông gòn với chút muối. Trước hết ông ta đốt đầu kẽm gai để sát trùng rồi dùng nó "xỉa" thịt dính vào chân răng cho tách ra, sau đó dùng kềm nhổ đinh vặn trái chiếc răng đau, trong lúc đó "nạn nhân" miệng kêu á, á! Cả thân hình vặn vẹo, tay bắt chuồn chuồn vì đau. Máu mủ đầy mồm. Chúng tôi đứng nhìn mà cũng "tê tái" cả người. Răng được lôi ra, đưa cho đương sự giữ làm kỷ niệm, lỗ trống chân răng được nhét vào chút muối, "đậy" lên bằng bông gòn. Ngậm miệng lại. Hết đau. Ông bác sĩ Thạch nầy chữa bịnh lao cũng tài. Một ông tù bị ho sao đó, người chỉ còn bộ xương. Ông bác sĩ phán "Ho lao, bảo người nhà gửi trụ sinh với ống chích vào ngay". Thời gian sau, thuốc được gửi vô. Ông ta bảo bịnh nhân "Xây lưng lại, kéo áo lên" Ông ta mằn mằn mấy cái xương sườn sau lưng rồi đẩy mũi kim vào giữa hai xương sườn, đâm lút kim, bơm thẳng thuốc vào ngay trong phổi bịnh nhân. Chích thuốc vào thịt xưa rồi. Thuốc đâu mà chích cho xuể? Tôi thấy sao nói vậy chứ chẳng biết ông ho lao có sống được không? Lịch sử đi tù của ông Thiếu tá bác sĩ nầy cũng không giống ai. Năm 1975, Dương Văn Minh lên làm tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa, chỉ làm một việc duy nhất là giơ hai tay lên trời và hát bài Biệt Kinh Kỳ "Giữa đoàn hùng binh có tôi đi... Đầu hàng!". Cổ kim, Đông Tây, chưa có ông tổng thống nào quái đản như Dương Văn Minh! Mất nước! Quân đội tan rã. Quân, cán, chính, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, thậm chí nhà buôn, nhà thầu, nhà tu... đều được đảng và nhà nước ta lùa vô một "nhà”ø duy nhất có tên là "nhà tù cải tạo". Trong nhà tù, ông bà nào chịu đựng không nổi thì thành "quá cố”, đưa qua "nhà xác"... Ông Thiếu tá bác sĩ Thạch trốn đi tù, mò xuống miền Tây, giả dạng thường dân, đổi tên họ, làm tên khờ, thất nghiệp, đi bưng tô, chùi bàn cho một tiệm hủ tiếu ở một xó chợ nhỏ nghèo nàn, heo hút. Được ít lâu, tưởng yên thân, không ngờ một buổi sáng, đang bưng hủ tiếu cho khách thì một cậu khách mừng rỡ kêu lên "Thiếu tá mạnh giỏi? Thiếu tá không đi tù cải tạo sao còn ở đây?" Trong quân đội, tất cả binh lính thuộc đơn vị đều là thân chủ của ông bác sĩ quân y nên gặp là nhận ra ngay. Thế là ông ta bị hốt vô trại tù Vườn Đào (miền tây), rồi được đưa lên trại tù Xuyên Mộc.

Trở lại hàm răng giả của Tư Móm. Qua Mỹ, tiểu bang California, anh ta làm việc tà tà, buổi sáng cà phê, tán láo với bạn bè, trưa đi làm đến tối. Anh ta làm đủ nghề. Bạn ra đường, vào quán cà phê mà thấy một ông tuổi khoảng năm mươi ốm nhom, đầu tóc bờm xờm, mặc quần jeans, áo lính rằn ri (mua ở chợ trời, quân đội Mỹ thải ra) hai mắt láo liên như mắt khỉ, mồm miệng tía lia, vẻ bất cần đời. Đó là một ông HO Việt Nam độc thân tiêu biểu ở hải ngoại. Riêng ông bạn tôi có cái miệng móm nên dễ nhận ra. BaÏn bè bảo "Đi làm hàm răng giả đi cha nội. Em nào thấy cái miệng ông cũng phát nản" Anh ta cười như ông lão "Vậy mà có bà khoái cái miệng móm của tôi mới kỳ. Bả không cho đi trồng răng, bảo là "cản trở lưu thông" (?) lại sợ các bà khác thấy đẹp trai, dụ dỗ mất".

Nhưng đó là nói về vật chất, còn về tinh thần, tình cảm không đơn giản như thế. Làm người mất nước làm sao quên được "cố quốc" rồi những kỷ niệm về đồng đội, về mấy cô hàng xóm, bạn học, bạn tù... Bây giờ họ ở đâu, ra sao? Anh chàng Tư của tôi cảm thấy cô đơn, nhất là khi cô bồ của anh ta bỏ đi lấy chồng vì anh ta có lần tuyên bố "Anh chỉ sống qua ngày, chờ qua đời. Anh sợ bị ràng buộc. Lấy vợ, sinh con, đẻ cái. Trách nhiệm phiền phức" Từ khi bị người tình cho "de" chàng Tư rất buồn. Chàng làm thơ. Đề tài, nội dung cũng giống như những cô, cậu thất tình khác là cảnh cũ, người xưa. Thơ chàng hay đến độ chàng thành "thi sĩ”, được các báo đăng, được ngâm trên đài phát thanh địa phương. Đang vô danh bỗng nổi danh, chàng sướng tê người lại được mấy ông bạn xúi in những bài thơ của chàng thành "Thi Phẩm". Chàng làm ngay. Vài nghìn đô. "Nhằm nhò gì, như Tề Thiên mới rụng cái lông" Phét lác là bản tính mấy cậu độc thân. Tập thơ rất đẹp, được gửi bán ở các tiệm sách (nhưng mấy tháng sau vẫn còn nguyên!). Chàng tặng mỗi người bạn mươi tập "Để ông muốn tặng ai thì tặng. Nếu cần thêm, cứ cho biết". BaÏn bè còn xúi tổ chức ra mắt thơ. Chàng "Tới luôn!". Có ăn uống, ca nhạc và tặng thơ miễn phí. Khách đến khoảng vài trăm người, vì thân tình chứ không phải vì mến mộ nhà thơ. Vậy mà vẫn không "tiêu thụ” hết năm trăm tập thơ! Sau đó thì tất cả rơi vào yên lặng. Chẳng ai hỏi han đến chàng Tư Móm, thi sĩ nhà ta! Chỉ một lần duy nhất, có người gọi đến nhà thơ. Đó là một phụ nữ. Chị ta gọi đến không phải để khen thơ Tư Móm mà để tìm người quen. Chuyện nầy khiến cho nhà thơ Tư Móm và chị ta dính nhau như cục sắt và thỏi nam châm.

Tôi xin kể tiếp.

"A lô. Xin cho tôi được gặp anh Lê Văn Tư ạ!" Đó là vào một buổi tối, chàng Tư Móm đang nằm xem Video "Dạ, Tư tôi nghe đây!" "Phải anh Tư trước bảy lăm, nhà ở trước chợ  Phan Thiết không?" "Dạ. Đúng rồi. Có việc gì không cô?" "Vậy là sau mấy mươi năm, anh em mình mới tìm thấy nhau. Anh bây giờ ra sao? Có mạnh khỏe không?" "Dạ. Tôi vẫn như xưa. Dung nhan phong nhã, cốt cách phi phàm, tinh thông kinh sử, xuất khẩu thành thơ..." "Em biết rồi. Nhờ tập thơ của anh mà em tìm thấy anh. Anh còn nhớ em không?" "Có trời mới biết được cô là ai!" "Em là con Tâm hàng xóm với anh. Nhà sát vách. Tâm khóc nhè đây. Ngày xưa anh xưng mi, tao với em..." Chàng Tư "A!" lên một tiếng muốn bể cái điện thoại "Tâm đó hả mi? Xin lỗi, quen miệng. Bây giờ phải gọi là cô, xưng tôi mới đúng" Bên kia đầu dây có tiếng cười thân ái "Anh em mình... Gọi sao cũng được".

Tình thân như anh em, cả hai mừng rỡ. "Tha hương ngộ cố tri" (nơi xứ người gặp bạn cũ). Chuyện trò, chàng mới biết nàng đã lập gia đình, được hai con thì chồng chết, sau khi qua Mỹ được năm năm. Chàng độc thân, nàng gái góa. Họ chẳng có gì phải e ngại khi chuyện trò thân mật. Tối nào hai người cũng ôm điện thoại nói cười đến khuya mà không muốn rời. Ai cũng vậy, đã là bạn thì phải gặp mặt. Nàng chờ chàng hẹn nhau đi điểm tâm, ăn trưa hoặc mời nàng đi xem ca nhạc. Có gợi ý mánh mánh nhưng chàng cứ phe lờ. Vì chàng kẹt cái miệng móm, rất khó coi. Nàng càng khen chàng thời học sinh đẹp trai, mong gặp để xem có thay đổi gì không? khiến chàng càng mất tinh thần, vì trước mình đẹp trai mà bây giờ thành ông già móm sọm, nên đành tìm cách hoãn binh "Anh bận tối ngày. Sáng sớm đã dậy đi làm, tối mịt mới về. Hay là, để tháng sau, có Hội Xuân hội Sĩ Quan Thủ Đức, anh mời em đến dự. Có con, cháu thì dẫn theo cho đông vui. Em cho anh địa chỉ, anh gửi vé đến" "Nhưng đến đó làm sao anh em mình nhận ra nhau, mấy mươi năm, ai cũng đổi khác" "Phải tìm nhau mới hồi hộp và vui" "Hay quá! Anh làm cho em hồi hộp ngay giờ phút nầy rồi. Bữa đó, đố anh nhận ra em!"

Một buổi sáng đi uống cà phê, chàng Tư Móm kể cho tôi nghe chuyện hai anh chị gặp nhau trên điện thoại "Bây giờ cô ta còn đòi gặp mặt tôi thì kẹt quá!" "Kẹt cái miệng móm chứ gì? Đi làm hàm răng giả thì trẻ đẹp lại ngay. Em thấy là mê tít thò lò” Anh ta sáng mắt lên "Có chừng đó mà không nghĩ ra. Mai tôi đi nha sĩ”. Bạn cũng biết, nhổ răng thì nhanh nhưng trồng răng, lại trồng cả hàm phải cần thời gian. Không hiểu Tư Móm trồng răng cách nào mà tuần sau hết móm, thành đẹp trai. Trong tiệm cà phê, anh ta vẫn không bỏ tính phét lác "Mấy ông thấy thằng nầy ngon chưa? Cần tân trang chỗ nào nữa?" Rồi anh ta đứng lên xoay một vòng như mấy em trình diễn thời trang. Người thì bảo nên hớt tóc cho gọn gàng, người thì nói "Áo quần thụng thịnh quá! Ông nên mặc quần jeans bó ống, cứ phô trương cặp đùi "cò hương" ra là các em mất ngủ ngay". Từ đó, thay vì gọi là Tư Móm, nay đổi biệt danh anh ta là người "vừa đánh răng vừa huýt sáo". Vì tối đi ngủ, tháo hàm răng giả bỏ vô ly nước ngâm cho sạch, sáng dậy vừa chà hàm răng (giả) vừa có thể huýt sáo hay hát hò. Không rõ tình cảm giữa anh ta với cô láng giềng "thăng hoa" đến cỡ nào mà anh ta có vẻ bồn chồn, mong chờ ngày Hội Xuân đến nhanh. Và nhờ hàm răng giả, làn hơi được kềm chế, không phì phèo nữa, Tư Móm hát ca-ra-ô-kê. Một lần uống cà phê, anh ta cao hứng hát mấy câu nhạc tình lại còn hỏi ý kiến, hôm Hội Xuân nên hát tặng cô bạn bài gì? Giọng hát của anh ta, nếu hát đại nhạc hội có thu tiền, thu hình thì không được nhưng trong các dịp họp mặt, cưới hỏi, hội xuân... cũng không đến nỗi. "Giọng hát trầm buồn và ngọt ngào". Vì thương bạn và để anh ta yêu đời mà khen thế thôi.

Trước đêm Hội Xuân, Tư Móm dặn chúng tôi để ý xem trong đám khách mời thấy cô, bà nào cầm đóa hoa hồng thì báo cho anh ta biết để anh ta đến chào, vì anh ta có chân trong ban tổ chức, phải lo đặt máy phóng thanh, thử máy, theo dõi chương trình nên kẹt sau hậu trường. Tôi và mấy ông bạn trong ban tiếp tân, lo đưa khách đến đúng số bàn ghi trong vé, nhưng tối đó có khoảng mươi bà khách cầm trên tay một đóa hoa hồng có bán trước cửa nên chẳng biết cô, bà nào?  Khi đến giữa chương trình thì người giới thiệu trân trọng mời nhà thơ kiêm ca sĩ Hoài Hương (tức Tư Móm) lên cống hiến một bản nhạc. Chàng bước lên sân khấu với cây đàn guitar. "Tôi xin hát bản "Bài Tình Ca Mùa Đông" để xin phép quý vị được thân tặng cô bạn hàng xóm của tôi, đã mấy mươi năm chưa gặp lại. Tôi tin rằng, cô cũng đang hiện diện tại đây. Thú thật, tôi có mời cô đến dự nhưng chỉ gửi giấy mời chứ chúng tôi chưa hề gặp nhau". Rồi anh ta cất tiếng hát. Chúng tôi cũng tò mò, theo dõi mấy cô, bà có hoa hồng để biết đó là ai. Nhờ bản nhạc hay và nhờ cao hứng, nên giọng anh ta hết sức truyền cảm. Thế rồi, có một người đứng lên, tay cầm đóa hoa hồng, yểu điệu tiến về hướng sân khấu. Đó là một chị, tuổi trên năm mươi, không đẹp lắm nhưng ăn mặc trang nhã và sang trọng. Chị ta không cao, mặt trái xoan, trang điểm cẩn thận. Chiếc áo dài nhung màu tím sẫm ôm lấy thân hình tròn trịa, gọn gàng. Tóc ngang vai, kiểu nữ sinh với chuỗi ngọc trai ở cổ và đôi hoa tai lóng lánh ánh đèn. Chúng tôi chờ chị ta tặng hoa thì sẽ vỗ tay hoan hô. Anh bạn tôi có lẽ đã thấy chị ta, nhưng vẫn làm như mãi say sưa trong tiếng nhạc, lời ca.

Nhưng, một việc bất ngờ xảy ra. Khi cô ta sắp bước lên sân khấu để tặng hoa là lúc anh chàng hát đến câu "Êm êm... Ngoài kia nhạc đêm đông..." Chàng cao giọng, miệng há ra, gân cổ nổi lên. Đột nhiên, hàm răng giả quái ác vọt ra khỏi miệng chàng, bay vút như một UFO (dĩa bay) rồi rơi xuống, nằm tênh hênh trên sàn gỗ, khoảng trống trước sân khấu, nơi dùng để khiêu vũ. Miệng chàng móm sọm, môi trên thụt vô, môi dưới trề ra. Chàng buông tay đàn, bụm lấy miệng. Chúng tôi lặng người, bất động, quên cả thở!

Trong khi mọi người bàng hoàng thì cô bạn của chàng Tư Móm bình tĩnh quay lại, cúi xuống, lượm hàm răng giả, lấy khăn đang cầm trong tay lau hàm răng rồi bước lên sân khấu, ra dấu cho anh ta há miệng ra, nhét hàm răng giả đó vào, "chàng" trở lại đẹp trai như cũ. Tiếp theo, cô trao đóa hoa hồng và nhón gót, hôn đánh chụt một cái lên má anh ta, rồi hai người nắm tay nhau cúi chào khán giả và bước xuống sân khấu. Tiếng vỗ tay, cười nói lúc đó mới rộ lên.

Rồi sao nữa?

Cả tuần sau đó, không thấy anh bạn Tư Móm của chúng tôi ra tiệm cà phê. Tôi gọi điện thoại "Mấy bữa nay ông đi đâu?" "Bà xã pha cà phê, làm điểm tâm ở nhà…" "Ủa! Bà xã nào? Sao không mời tụi nầy đi ăn đám cưới?" "Cưới hỏi gì. Rổ rá cạp lại. Bà bữa hôm Hội Xuân đó. Mấy đứa con xúi bả rủ tôi đến ở chung. Chúng có gia đình, ở xa, sợ mẹ sống một mình buồn, sau nầy già cả, bịnh hoạn không ai săn sóc" "Có gia đình rồi, phải lo làm ăn mà trả mấy cái bills-. Ăn uống đầy đủ vô…" "Khỏi lo. Cơm ngày ba bữa, tắm rửa một lần, áo quần mặc cả ngày. Tiền mua nhà trả hết rồi. Điện nước… mấy đứa con trả. Bà xã tôi biểu tôi mời mấy ông, bữa nào đến ăn bún cá. Dân Phan Thiết nấu món nầy ngon lắm" "Muốn mấy người đến dự?" "Nhiêu cũng được, miễn báo trước để tụi nầy chuẩn bị”

Bọn tôi, khoảng mươi ông hẹn nhau đến thăm nhà thơ kiêm ca sĩ Tư Móm để chúc mừng anh ta, nhờ chỉ một bài hát mà vớ được một chị đàn bà ngon lành.   
   
Chúng tôi kéo đến. Đó là một ngôi nhà tiêu biểu của dân trung lưu. Vợ chồng bạn tôi mừng rỡ đón chào. Có lẽ nhờ hơi trai nên chị ta trông như hoa tươi. Miệng cười toe toét. Chúng tôi ăn nhậu, nức nở khen chị ta nấu quá khéo, quá ngon. Mà ngon thiệt! Ăn muốn nứt bụng. Khi sắp sửa tan hàng, chỉ còn một mình Tư Móm ở nhà trên, tôi hỏi "Cho biết cảm tưởng sau khi thành gia thất?" Bạn tôi lắc đầu "Mất tự do! Tôi quen sống một mình, cơm hàng cháo chợ, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, bây giờ có bả, kẹt thiệt! Khổ nỗi là tôi rất thương bả. Từ thuở bé, hai đứa tôi đã thân thiết nhau, nay gặp lại, không phải tình yêu mà là tình bạn với nhiều thông cảm. Tôi nghĩ, các ông có những điều không thể nói cho vợ nghe. Hai đứa tôi thì khác. Chuyện gì cũng kể cho nhau nghe. Từ chuyện xưa đến chuyện nay, cứ "thủ thỉ” hoài không chán. Nhưng trước đây, tôi như con ngựa rừng, bây giờ bị khớp mỏ, lại có dây cương, quay phải, quay trái không theo ý mình…" Đang tâm tình thì bà vợ anh ta dưới bếp đi lên "Mấy ông tâm sự gì đó? Cho nghe với! Chuyện bồ bịch phải không?" Bạn tôi ngồi xích ra cho vợ ngồi ké bên ghế và nói với chị ta "Anh nói, có vợ cũng hay. Nhất là khi mình ân hận, thất vọng thì đã có người vợ bên cạnh an ủi" Tôi hỏi "Thế khi ông chưa có vợ thì ai an ủi ông?" Tư Móm lớn tiếng "Chưa có vợ thì làm gì có chuyện ân hận, thất vọng" Chị vợ thò tay ngắt hông chồng "Ông nói xấu tôi!" Anh ta "Ối!" lên một tiếng rồi nói tiếp "Nhưng bà xã tôi còn có biệt tài mà bà xã các ông không làm được. Đó là lúc tôi đi ngủ và lúc tôi thức dậy, bà xã tôi đánh răng cho tôi. Đánh sạch bóc". Chúng tôi cười "Trong lúc bả đánh răng cho ông thì ông vẫn có thể hát hò bình thường. Thế mới tài". Khi sắp ra về, một ông bạn tôi đứng lên, có đôi lời long trọng "Thay mặt các bạn, chúng tôi cám ơn anh chị đã cho thưởng thức mấy món ăn truyền thống của Phan Thiết. Cũng cám ơn riêng với chị là từ nay bạn tôi sẽ không còn cô đơn, sẽ được ăn uống tử tế, được chị săn sóc với sự thương yêu. Chúng tôi chỉ xin chị, vì nhân đạo mà lưu ý một điều: là, trước đây, các cháu còn sống trong gia đình, chị thường nấu nhiều món, nồi lớn, nay chúng là lũ chim đã bay khỏi tổ, chỉ còn hai anh chị. Xin chị nấu ít lại, đủ chỉ một bữa thôi, bữa sau nấu món khác. Chúng tôi hiện đang ở trong hoàn cảnh đau khổ đó mà không dám hé môi với vợ. Bà nào cũng nấu một nồi bự (cho bầy con), như thói quen trước đây. Thế là ông chồng phải ăn ngày nầy qua ngày khác những món hâm đi, hâm lại. Đau khổ lắm. Ngậm đắng nuốt cay!..." BaÏn tôi làm bộ mếu máo cho chúng tôi cười. Chị chủ nhà thì "Dạ! Dạ! Tôi nhớ" Còn Tư Móm thì ngơ ngác như con nai vàng. Có trải qua cảnh "bổn cũ soạn lại" bao giờ đâu!

Chúng tôi ra về mà ngậm ngùi cho thân phận mình và cảm thương cho người bạn đã làm một việc thiếu suy nghĩ là đã lấy vợ. Vở kịch mới diễn màn một, các màn sau mới bi thảm. Tôi nhớ đến lời dạy của đấng chí tôn của tôi "Này, tên đàn ông xấu số kia. Ngươi sẽ phải bì bõm trong bể khổ cho đến chết… kể từ khi ngươi lấy vợ".


PTC

Monday, February 18, 2013

ĐOÀN DỰ * THẦN TÀI

Những chuyện khá lạ


- Đoàn Dựghi chép
1. Áp mặt thần tài vào nhũ hoa để... cầu may mắn!
Hội An là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam, có nhiều khu phố cổ được xây dựng từ thế kỷ16 vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Trong các tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi Faifo. Thành phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1999. Hiện nay, chính quyền sở tại đang khôi phục các di tích, đồng thời phát triển thành một thành phố du lịch.
Dân chúng trong thành phố cổ Hội An (thành phố nhỏ cấp 3) có những phong tục độc đáo khác hẳnvới các nơi khác. Đặc biệt, những người buôn bán ở đây có nhiều “mẹo” mang tính tín ngưỡng cao. Tuy nhiên, độc đáo nhất có lẽ là tục lệ các nữ nhân viên bán hàng... cởi khuy áo ra, áp tượng thần tài vào nhũ hoa của mình mỗi buổi sáng trước khi bán hàng để cầu may mắn cho shop.
Trong một lần trò chuyện với Trần Bảo Ngọc - một nữ nhân viên trong cửa hàng quần áo thời trang trên đường Hai Bà Trưng, Hội An – các phóng viênđược biết sáng nào trước khi làm việc cácđều trang trọng đem tượng thần tài hoặc bằng đất sét nung hay bằng tranh vẽ vốn thờ trên bàn thờ xuống, đến chỗ kín đáo trong shop, cởi khuy áo ngực ra, vạch cả cái áo nịt ngực nữa, áp mặt thần tài lên hai nhũ hoa của mình để tiệm hôm ấy được đông khách.
Bảo Ngọc cho biết, cô cũng không hiểu phong tục kỳ lạ này đã có từ bao giờnhưng hầu hết các tiệm ở Hội An, khi thuê các nữ nhân viên bán hàng đều dặn dò và chỉ cách cho người làm của mình thực hiện cái tục lệ “thiêng liêng” ấy vào mỗi buổi sáng. Còn đối với các cửa hàng có nữ chủ nhân hay con gái của chủ nhân đứng bán thì khỏi phải nói, họ làm hết sức kính ngưỡng. 
 Riêng nữ chủ nhân, bà còn thận trọng thắp nhang, cúi đầu, vái mấy vái, khấn khứa râm ran trước khi cắm nhang lên bàn thờ và đem thần tài xuống “làm lễ”. Tội nghiệp thần tài, có khi bà chủ rất mập, hai ‘trái dừa xiêm’ của bà rất lớn, chắc ngài ngộp thở luôn!
Khắp phố cổ Hội An không ai chứng minh được rằng nếu không theo tục lệ ấy thì buôn bán sẽ ế ẩm.Tuy nhiên, người trước truyền cho người sau, đời này truyền cho đời kia, cái tục lệ ấy rất phổ biến và ai cũng rất tin tưởng.
Nói thì vậy nhưng thực tế việc áp mặt thần tài vào ngực cũng có lớp lang đàng hoàng, không phải muốn sao cũng được. 
Thường thì mỗi buổi sáng, trước khi đi làm các nữ nhân viên phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp và gọn gàng. Khi tới cửa hàng thì cô nào tới trước nhất sẽ thắp 3 nén nhang, vái 3 vái, khấn ngài phò hộ cho tiệm rồi đem tượng ngài vào chỗ khuất, quay mặt ngài vào ngực mình, tay kia cởi cúc áo và áo lót, áp mặt ngài vào nhũ hoa của mình, bên trái trước, bên phải sau, tổng cộng ba lần như vậymới xong.
 Những cô tới sau thì chỉ thực hiện phần “áp ngực” mà thôi, không phải thắp nhang hoặc khấn vái như cô đến đầu tiên nữa. 
Đặc biệt, nếu chủ nhà hay con gái chủ nhà mà làm việc khác, không phải là người bán hàng thì không làm việc này, như vậy có thể nói việc “áp ngực” để tiệm được may mắn chỉ dành riêng cho các nữ nhân viên trực tiếp bán hàng mà thôi, không liên quan tới những người khác. Ngoài ra, sự việc diễn ra chừng 10 phút nhưng lại công việc quan trọng nhất của cáccửa hàng trong một ngày.
 
Chuyện trò với các phóng viên, cô nhân viên tên Bảo Ngọc cho biết: “Lúc đầu mới vào làm, em chưa quen nên thấy ngượng lắm, bị bà chủ la hoài. Sau dần dần cũng quen thấy giống như một công việc bình thường của mình vậy thôi”.
Đi tìm sự giải thích
Để hiểu về tục lệ kỳ lạ... không nơi nào có này, các phóng viên tìm đến nhà cụ Phạm Thị Hươngtrong một hẻm nhỏ trên đường Trần Phú, Hội An. Năm nay cụ đã 86 tuổinhưng xem ra còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm.
Cụ kể, trước đây cụ cũng từng buôn bán trong khu phố cổ này, nhưng do nhữngthay đổi của cuộc sống và tuổi tác, cụ phải bỏ việc kinh doanh để bôn ba với những chú tò he đất bên bờ sông Hoài. Đến giờ, vợ chồng cô con gái út của cụ vẫn làm ăn rất khấm khá với 3 cửa hàng kinh doanh trên phố cổ Hội An.
(Ghi chú: Tò he: các hình nhỏ nặn bằng đất sét hoặc bột dẻo trộn màu rực rỡ, nặn hình cô tiên, hình ông tướng v.v... người bán hàng vừa bán vừa nặn rất nhanh, rất tài tình như một nghệ sĩ điêu luyện, cắm vào những cây que, bán cho trẻ em đem về nhà chơi - ĐD).
Nghe hỏi về tục lệ các nữ nhân viên áp tượng thần tài vào nhũ hoa của mình mỗi buổi sáng trước khi bán hàng, cụ Hương trầm ngâm suy nghĩ để nhớ lại rồi nói: “Ở đây có tục lệ đó thiệt,nhưng từ thời nào thì tui không rõ. Năm nay tui 86 tuổi, đời bà ngoại tui đã có rồi. Bà ngoại tui truyền cho m tui. Mạ tui truyền cho tui. Rồi tui truyền cho con gái tui mà không hiểu mần răng lại phải áp như rứa”.
  Rồi cụ kể thêm: “Có người nói đây là tục lệ của người Hoa nhưng cũng có người nói là của người Nht. Nghe nói thời xa xưa có đủ thứ người tới mần ăn, buôn bán tại Hội An, họ mang theo phong tục của họ”.
Cụ Hương còn cho biết là ngày xưa, thời cụ còn nhỏ, người Hoa thường thíchmướn các cô gái còn trinh đến bán tại các cửa hàng của mình, bởi vì họ cho rằng thần tài thíchcác cô gái đẹp, nhứtcác cô gái trinh tiết. 
Thậm chí, nếu mướn không được những cô gái trinh bán hàng thì họ phải thuê một cô gái khác trong phố hoặc nhà gần đấyrồi mỗi sáng cổ qua làm công việc đó giùm. Hiện nay, các cửa tiệm không còn mất công tìm kiếm các cô gái trinh nữa nhưng việc “áp mặt thần tài vào ngực” họ vẫn tiếp tục giữ. 
Theo tiến sĩ Trần Tấn Vịnh, giám đốc Nhà Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, phong tục “áp mặt” này xuất xứ từ nền văn hóa Mẹcủa người Việt Nam chứ không phải của người Hoa hay của người Nhật. Do đặc trưng của nền văn hóa lúa nước, vai trò của người mẹ rất quan trọng nên trong việc truyền tụng, thờ cúng, các vị nữ lưu hay các nhân vật linh thiêng được có tiếngbà” đi trước là một việc thường: “Bà Đen”, “Bà Om”, “Bà Hom”, “Bà Điểm”... 
Ở Hội An (Faifo) thời xa xưa, giao thoa với các nền văn hóa khác như văn hóa Nhật Bản, văn hóa Trung Hoa, việc ápmặt thần tài vào ngực phái nữ trước khi buôn bán phải chăng cũng là biểu hiện của sự mơ ước mọi thứ sẽ được sinh sôi nảy nở, ăn nên làm ra?
 Đó là nét đặc trưng trong tín ngưỡng phồn thực (sự tín ngưỡng về việc phát triển nòi giống, ví dụ tục thờ cơ quan sinh dục nam linga và cơ quan sinh dục nữ yoni là một biểu hiệu của tín ngưỡng phồn thực- ĐD), đã kết hợp với việc làm ăn buôn bán của người phố cổ Hội An để tạo ra nét văn hóa độc đáo tại mảnh đất này.
Trong vẻ đẹp muôn màu của đất và người phố cổ Hội An, có những điều người ta bất ngờ nhưng thật ra có cội nguồn rất gần gũi với văn hóa Việt Nam. Tục lệ áp mặt tượng thần tài vào ngực của nhân viên bán hàng trong các cửa tiệm mỗi buổi sáng sớm là một trong những cái lạ mà chính nó đã tạo nên sự thú vị khiến ta muốn thăm viếng và khám phá cái thành phố cổ xưa đó.
2. Người mẹ đi bằng hai tay nuôi con vào đại học
Trong căn nhà vỏn vẹn 10m2, người phụ nữ ấy tuy tàn tật nhưng hễ có khách là cặp mắt ngời lên sự hãnh diện. Từ 16 năm nay chị đã một mình nuôi đứa con trai duy nhất học tới đại học.
Chị tên Phạm Thị Khời, 41 tuổi, bị liệt cả hai chân do bị chồng đánh, ngụ tại Khu dân cư số 4, phường Hòa Nghĩa, huyện Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.
Sinh năm 1972 trong một gia đình ở ngoại ô Hải Phòng, thời trẻ tuổi chị Phạm Thị Khời cũng nhanh nhẹn và hoạt bát như mọi người con gái khác. Đến tuổi cập kê, chị lập gia đình với một thanh niên cùng thôn và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh.
Tưởng rằng những ngày tháng hạnh phúc sẽ êm ả trôi đi, nhưng do cuộc sống quá khó khăn, gã chồng cục súc và “gia trưởng” của chị đã đánh chị đến trở thành tàn phế.
Biến cố cuộc đời
Nghèo nhưng hay uống rượu và đánh đập vợ, một hôm gã chồng hạch tiền mua rượu, chị không có, gã tức giận bèn vác củi đánh rồi xô chị vào tường làm chị gục xuống, ngất lịm, hàng xóm phải đem tới bệnh viện cứu cấp giùm, chồng chị bị công an phường bắt và cảnh cáo về tội uống rượu, hay đánh vợ nhưng rồi cũng được thả về.
(H.5: Cháu Luân chăm sóc mẹ)
Kết quả chẩn đoán của bệnh viện huyện là chị bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh não tủy và hệ tĩnh mạch. Thời đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kèm theo suy nghĩ chủ quan nên bệnh viện chỉ chích kháng sinh và cho về nhà uống thuốc.
Một tháng sau, chị thấy chân tay càng ngày càng tê cứng, cử động khó khăn, bèn xin đi khám tại bệnh viện Hải Phòng. Các bác sĩ cho biết, chị bị chấn thương cột sống, liệt cả hai chân. Dù bố mẹ ruột của chị đã vay mượn khắp nơi để lo chữa bệnh cho chị nhưng kết quả vẫn không khả quan. Từ đó, chị với chiếc xe lăn làm bạn.
Sau biến cố đầy nước mắt, người phụ nữ ấy bị mặc cảm tàn tật và hận chồng, người đã gây ra “tai nạn” nhưng bỏ mặc vợ với đứa con nhỏ rồi đi lấy vợ khác. Nhà bố mẹ ruột rất nghèo, chị được bà con giúp đỡ, dựng cho một căn nhà nhỏ giống như cái chòi ở gần bờ sông, hai mẹ con sống với nhau.
Dường như bao nhọc nhằn, lo toan đều đè nặng lên đôi vai ốm yếu, bệnh tật của người phụ nữ bất hạnh ấy. Để có tiền nuôi con, chị mua con gà, con vịt nuôi lấy trứng, lấy thịt bán cho hàng xóm láng giềng.
 Chị tâm sự: “Hằng ngày con trai đi học, tôi không có người đỡ đần, phải cặm cụi tự lăn xe lăn, có khi bò lết bằng hai tay đi lấy thức ăn, nước uống, chăm lo cho đàn gà. Cố gắng duy trì, mỗi tháng tôi cũng gom góp được khoảng 500 ngàn đồngnộp tiền học phí cho con.
Cuộc sống luôn chứa đựng những điều kỳ diệu. Thượng đế ban cho chị đứa con trai thông minh, ngoan ngoãn và hiếu thảo hết sức. Từ lúc mới được 9 tuổicậu bé Nguyễn Thành Luân đã biết đi mót thóc rơi ngoài đồng về cho mẹ nuôi gà. Suốt 10 năm liền cậu đạt danh hiệu học sinh giỏi, luôn luôn được thầy cô khen ngợi.
Ngoài thì giờ đến trường, hễ ở nhà là Luân lolàm các công việc lặt vặt để đỡ đần mẹ. Buổi tối, chờ mẹ đã đi ngủ cậu mới thắp đèn học bài, làm bài cho tới tận khuya. Không phụ công mẹ cố gắng nuôi mình ăn học, sau khi tốt nghiệp trung học, Luân thi đậu vào trường Đại học Hàng hải là ngành học sau này dễ kiếm việc làm và có tương lai rất tốt. 
Thấy cậu con trai gầy guộc vì ăn uống kém đem về khoe mẹ giấy báo thi đậu, chị Khời mừng chảy nước mắt nhưng cũng lo chuyện đóng học phí mỗi năm cả mấy triệu đồng.
Sức mạnh của tình mẫu tử
Chi phí học hành của Luân trong những tháng ngày đi học hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền trợ cấp 180 ngàn đồng/tháng (tính ra khoảng 9 Mỹ kim) dành cho các hộ nghèo tại địa phương,cộng với 500 ngàn đồng tiền nuôi gà nuôi vịt vàthỉnh thoảng, chút ít do ông bà ngoại tức bố mẹ ruột của chị Khời lâu lâu cố dành ra cho cháu, còn việc ăn uống thì tằn tiện, hai mẹ con rau cháo qua ngày. 
Trong bấy nhiêu năm nuôi con ăn học, nhiều khi chị Khời cảm thấy vừa thương con lại vừa buồn tủi vì sự tàn tật của mình không phải tự nhiên mà do bị chồng hành hạ: “Trên đời này có ai khổ như tôi đâu, có ai bị chồng đánh đến mức liệt cả hai chân, phải bò bằng hai tay từ năm 28 tuổi”.  
Nhưng chị tự nghĩ, mình phải có can đảm để sống, phải nuôi con nên người để sau này có chỗ nương dựa. Vì vậy, hình ảnh người đàn bà bị liệt hai chân, ngồi trên xe lăn hay bò lết bằng hai tay đi chăm nom cho đàn gà đàn vịt không xa lạ gì với những người dân ở thôn Hòa Nghĩa. Bây giờ, đứa con trai nghèo khổ của chị đã đậu vào Đại học Hàng hải, một ngành thi rất khó nhưng sau 4 năm nữa ra trường sẽ dễ kiếm việc làm, lương bổng khá cao, lớn tuổi có thể được thuê làm thuyền trưởng các tàu buôn trong nước.
 Đó là quà tặng xứng đáng cho chị - người phụ nữ tàn tật do bị người chồng vũ phu đánh đập mất tới 70% sức khỏe và gia đình nhà chồng nhẫn tâm, ích kỷ, không hề nhìn nhỏ gì tới đứa cháu nội.
3. Lòng tốt của người thợ sửa giày cho Việt kiều và các “ngôi sao” trong nước
Ít ai ngờ nổi các “khách hàng ruột của anh chàng thợ sửa giày ở trung tâm Sài Gòn, chỗ gầnngã tư Pasteur Lê Thánh Tôn, lại là các Việt kiều, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người mẫu v.v..., nói chung gồm những người “có tiền” và những đôi giày họ đem đến sửa có thể có giá tới vài trăm hay cả ngàn đô la. 
Không có cửa tiệm, không có bảng hiệu, tài sản cũng chẳng có gì quý giá ngoài những dụng cụ dùng để sửa giày cho khách, nhưng ít ai ngrằng chỗ sửa giày bên lề đường của anh Nguyễn Hữu Văn đó đã tồn tại gần 40 năm nay.
Gặp trong một buổi trưa hè Sài Gòn nắng gắt, khi mọi người bắt đầu vào giờ nghỉ ngơi giữa ngày thì Văn, thợ và những đứa trẻ học trò của anh, vẫn thoăn thoắt đôi tay, sửa những chiếc giày để kịp trả cho khách vào buổi chiều.
Văn quẹt những giọt mồ hôi trên trán, bắt đầu câu chuyện về cái “cơ ngơi vỉa hè” hiện đang nuôi sống gia đình anh, gia đình những người thợ hay những đứa trẻ vô gia cư hoặc mồ côi đã được anh cưu mang để thoát khỏi hoàn cảnh nghèo nàn.
Một nghề cha truyền con nối
Từ hồi “giải phóng” 1975 đến giờ, đoạn đường Lê Thánh Tôn, từ khúc ngã tư Pasteur đổ xuống tới ngã tư Nguyễn Trung Trực, không còn những tiệm buôn bán giày dép đông đúc như trước nữa. 
Nhưng thảng hoặc, vẫn còn một hai người thợ sửa giày ngồi bên lề đường, phía trước một cửa tiệm nào đó với chiếc thùng gỗ nhỏ bé trên mặt có để một vài đôi giày mới đóng hoặc vài đôi giày đã sửa. 
Những người thợ giày này thường là thợ giỏi, có uy tín với khách, giày họ sửa rẻ, giày đóng cũng rẻ và đẹp nên dù thời buổi khó khăn, suốt bao năm qua họ vẫn lây lất sống được.
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày tháng trước năm 75 mà cha của Văn – ông Nguyễn Hữu Tụng – để tránh bom đạn trong chiến tranh ở ngoài Trung, đã dắt díu vợ con vào miền Nam tìm cách sinh sống. 
Cực chẳng đã phải bỏ lại ruộng vườn ở sau lưng, cha của Văn làm đủ mọi nghề người ta thuê mướn như phụ hồ, bốc vác... Và rồi như một cơ duyên, cha anh đã ở nhờ và học nghề đóng giày cho một ông chủ có tiếng thời bấy giờ gần chợ Bến Thành. Ngày ra nghề, ông Tụng chọn khu vực này để kiếm sống và cuộc mưu sinh vẫn liên tục đến khi ông mất.
Chỉ tay về phía một cửa tiệm lớn nay đã đổi chủ ở bên kia đường, Văn nhớ lại: “Tiệm đó trước năm 1975 là một tiệm giày rất nổi tiếng,chủ là ông Trần Văn Mỹ. Sau năm 75, ông Mỹ cùng gia đình vượt biên ra nước ngoài.
Anh kể tiếp: “Tuy tiệm đã bị đổi chủ nhưng khách không biết, vẫn có người đến hỏi để đặt đóng giày. Cha tôi là thợ giày của tiệm, mất việc, thất nghiệp, nhân khách biết mặt nên bèn tìm chỗ sửa giày ở ngay gần đấy để mưu sinh.
 Bên đó là mặt đường, luôn luôn bị cảnh sát đuổi, ông chọn chỗ góc ngã tư này cho rộng và mát còn tôi thì đứng bên ấy, hễ có ai hỏi thì mời họ qua bên này. Tuổi thơ của tôi là như thế, lúc rảnh thì tôi phụ việc với cha tôi, do cha tôi chỉ dẫn, dần dần thành thói quen”.
Buổi trưa hè nóng bức, thỉnh thoảng chỉ có những chiếc xe chạy trên đường Lê Thánh Tôn nhưng chỗ sửa giày của anh Văn vẫn có hàng chục khách đợi. Những ga-men cơm trưa đã nguội, cả nhóm thợ vẫn mải miết làm việc vì khách liên tục ghé đến. Cuộc trò chuyện với anh Văn thường bị ngắt quãng.
Vừa chuyện trò anh Văn vừa cầm chiếc giày thể thao thuộc loại chạy địa hình lên ngắm nghía để sửa chỗ rách. Giày chạy địa hình phải là “hàng ngoại”, rất đắt tiền, sờ vào cứng như đá nhưng đối với Văn không có gì là khó, đôi tay người đàn ông ngoài 40 tuổi này cứ thoăn thoắt, mũi dùi đều đặn xuyên xuống, kéo lên những sợi chỉ “ngoại” lên, khâu xongtrông rất đẹp.
Anh cho biết: “Khách đến đây phần lớn là sửa giày ngoại. Không phải họ không có tiền mua đôi mới nhưng giày của họ còn rất tốt, sửa lại đâu có khác gì giày mới nên họ sửa lại cho đỡ uổng”.
 
(H.8: Việt kiều cũng đến sửa)
Điều không thể ngờ được chỗ sửa giày vỉa hèsong hàng chục năm qua, các “ngôi sao” nổi tiếng vẫn tìm đến để sửa những đôi giày “khủng” rất mắc của họ. “Cô Diễm My, chú Minh Vương, Bằng Lăng, chú Elvis Phương, Trang Đàinhiều người khác vẫn sửa ở đây. Họ trả tiền hậu lắm, lại cho thêm nữa, không cần hỏi giá”. 
Văn nói thêm: “Có người một lúc mua tới 2-3 đôi giày mới, họ đem đến sửa”. Phóng viên ngạc nhiên: “Giày mới mà lại phải sửa?”. “Có chớ, có cô hơi thấp, muốn nâng đế cao lên cả tấc. 
Cũng có chú hai chân không bằng nhau, một chân hơi lớn, một chân hơi nhỏ. Thường là mình phải tháo chiếc giày ra, bóp lại cho vừa với bên chân nhỏ”. “Lạ nhỉ, chân mà cũng có chân lớn chân nhỏ!”.
 “Có chú chân lại “cà nhắc”, bên này cao, bên kia thấp, tôi độn đế chú đi bình thường, nhảy trong khi hát trên sân khấu cũng không ai biết. Cái đó phải tự tay tôi sửa, không dám để cho thợ”. “Chắc thợ không giỏi bằng chú?”. “Không phải vậy nhưng mình là chủ, việc gì khó mình phải làm lấy thì khách mới tin tưởng. 
Giày của các “ngôi sao” đều mua ở nước ngoài, giá hàng ngàn đô, để cho thợ sửa lỡ bị hư mình đâu có tiền thường”. “Chú đã phải bồi thường cho khách bao giờ chưa?”. “Chưa, chưa bao giờ. Nghề nghiệp cha truyền con nối mà, hư thế nào được!”.
Cưu mang trẻ nghèo
Hiện tại, chỗ sửa giày của Văn có 7 thợ làm, người lớn nhất 31 tuổi, trung bình 20 tuổi, hai cháu nhỏ nhất 14 tuổi.
Hai cháu đó hai anh em ruột, sinh đôi, tên Trần Hồng Hòa và Trần Hồng Thuận, nhà ở Thủ Đức. Lúc Hòa và Thuận mới được 8 tuổi thì bố chết, mẹ bước đi bước nữa.
 Người cha dượng này làm nghề bánmì gõ, cũng có hai đứa con riêng mà nhà lại nghèo, buôn bán không đủ ăn nên rất ghét hai đứa con của vợ, thường đánh đập chúng và bắt chúng đi gõ lách cách khắp các hang cùng ngõ hẻm mời khách, không cho đi học.
 Cuối cùng, việc buôn bán ngày càng khó khăn, ế ẩm, ông ta đánh vợ và đuổi cả ba mẹ con ra khỏi nhà: “Tụi bay muốn đi đâu thì đi, tao không hơi sức đâu nuôi tụi bay nữa”. 
Ba mẹ con lang thang lên Sài Gòn, làm nghề bán vé số, ban đêm thì ngủ ở các sạp trống trong chợ. Một hôm, mệt quá, người mẹ ngồi nghỉ nhờ dưới tấm bạt che trên vỉa hè ở chỗ sửa giày của Văn
Thấy các thợ của Văn vui vẻ, chị lân la hỏi chuyện rồi kể hoàn cảnh của mình và năn nỉ Văn xin cho hai đứa con mình học nghề. “Được, chị cứ dẫn hai cháu đến đây tui coi xem sao. Hoàn cảnh các cháu thấy cũng tội nghiệp…”. Đó là năm 2010, Hai cháu Hòa và Thuận đúng 12 tuổi. Bây giờ các cháu làm việc rất khá. 
Chú Văn còn trẻ nhưng coi tụi cháu như con ruột. Chuyện ăn ở chú lo hết. Chú cho cả má cháu cứ ban ngày đi bán vé số, tối về ngủ nhờ trong nhà của cô chú nữa. 
Bây giờ chú trả cho hai anh em cháu mỗi đứa tới 4 triệu đồng một tháng, tụi cháu đưa cho má, má mừng lắm, nói để dành được tới đâu hay tới đó, sau này mua cái nhà nhỏ có chỗ chun ra chun vô. Chú còn bảo tụi cháu mỗi tối chịu khó đi học bổ túc văn hóa cho biết chữ, người ta có biết chữ thì mới khá được”.
Một hoàn cảnh khác là Trần Mạnh Long, năm nay 20 tuổi, quê Vĩnh Long. Hồi nhỏ, Long bị mẹ bỏ rơi đi lấy chồng khác, còn cha thì bị bệnh tâm thần, suốt ngày lang thang khắp nơi rồi té xuống giếng chết. 
Long được người chị con ông bác thương tình đem về nuôi, cho đi học. Năm 2006, một lần lên Sài Gòn, nhân đem đến sửa đôi giày cũ, người chị xin với chú Văn cho Long học nghề.  
Suốt 6 năm làm việc, bây giờ Long đã là một thợ chuyên nghiệp, mỗi tháng được Văn trả lương tới 7 triệu đồng. Mỗi kỳ nhận lương Long đều có gởi tiền về giúp cho người chị họ đã có lòng tốt cưu mang mình hồi nhỏ. 
Ngoài những trường hợp kể trên, Văn còn nuôi và dạy nghề cho hai trẻ “bụi đời” là Trần Phong Phú (năm nay 17 tuổi) và Nguyễn Phú Quí (16 tuổi)quê Lâm Đồng. Cách đây 3 năm, hai cậu bé này cũng con nhà nghèo nhưng lêu lổng, bỏ học, ăn cắp tiền của hàng xóm, rủ nhau đi xe đò xuống Sài Gòn sống lang thang làm trẻ “bụi đời”. 
Hết tiền, hai “dân bụi đời” này bị đói suýt chết, phải lân la vào xin cơm thừa của nhóm thợ chỗ Văn làm việc. Thợ ăn khỏe, ai có phần nấy, cơm dính ga-men đâu được bao nhiêu mà họ liếm láp, nhặt nhạnh từng hạt. Văn nhíu mày, hỏi rõ mọi chuyện rồi cho tiền họ đi mua bánh mì: “Ăn no xong các cậu về với gia đình đi, đừng ở lại đây, lang thang bụi đời dính vô bọn xì ke ma túy là chết đấy, hối không kịp đâu”. “Nhà tụi cháu nghèo lắm. Tụi cháu bỏ học lâu rồi, về cũng chẳng có công việc gì làm. 
Xin chú cho chúng cháu ở lại đây học nghề với chú để kiếm miếng ăn”. Hai cậu “bụi đời” đó năn nỉ quá, lại có vẻ rất thành thật nên Văn đồng ý cho họ ở lại. Bây giờ họ đã trở thành hai trong số những người thợ giỏi được Văn trả lương đồng hạng 7 triệu đồng/tháng như những người kia.
Trời đang nắng chợt những đám mây kéo đến, gió thổi lồng lộng. Đám thợ vội vàng thu gom đồ nghề và giăng tấm bạt ra để đề phòng bị mưa ướt. Nhưng trời chỉ “dọa”, không mưa. Một chiếc xe hơi loại “xịn” từ từ chạy tới, đậu lại bên đường. 
Cửa kính hạ xuống, một gương mặt nghệ sĩ rất quen thuộc, môi đánh đỏ chót từ bên trong xe ngó ra, tiếng gọi lảnh lót trong như tiếng suối: “Chú Văn, chú Văn, cho chị lấy đôi giày đưa sửa hôm trước nào.... Văn vội vàng lấy chiếc túi giấy đã chuẩn bị sẵn đem tới và cho khách biết về chuyện tiền công.

No comments: