Wednesday, November 2, 2016

CHUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN = VIỆT CỘNG

MAI VĂN TẤN * CÂU CHUYỆN HY HỮU


 

CÂU CHUYỆN HY HỮU: Người “tù cải tạo” và anh “liệt sĩ” Bắc Việt

.............................................
24-7-2012



.................................
Nhớ mãi một câu chuyện tôi cứ nghĩ không bao giờ xẩy ra trong đời người. Nhưng nó đã xẩy ra một cách hết sức bất ngờ trong những ngày lao tù dưới chế độ CS ở miền Bắc Việt Nam. Hình như một sự mầu nhiệm nào đó để ngăn cản những người CS bớt làm điều ác để mọi người bớt nguyền rủa và chính bản thân cũng như gia đình họ gặp những điều an lành hơn. Câu chuyện khó có thể tin và ngoài sức tưởng tượng của con người.




Ðặc biệt mỗi lần ngang qua nhà anh Trung (anh bị thương ở tay cử động khó khăn, VC gọi là Trung Khều làm nghề thợ may), quản giáo và vệ binh (danh từ VC) hay ghé lại nhà anh ngồi nghỉ, uống nước chè hút thuốc lào và tán gẫu. Nhân tiện những người tù cũng ngồi la liệt hai bên đường trước cửa nhà anh để nghỉ. Anh hay đem thuốc lào và nước để anh em dùng.

Thời gian này anh em nghiện thuốc lào bất đắc dĩ vì không có thuốc lá.Mặc dầu trong bụng lúc nào cũng cồn cào vì cái đói triền miên, nhưng thuốc lào hình như cần thiết hơn.Thấy sự đối xử anh Trung rất khác biệt với những người khác.Ðó là điều hiếm hoi trong một chế độ lấy lừa dối làm chính, xem mạng người như cỏ rác và đầy hận thù.Các con của anh cũng khác xa với “cháu ngoan bác hồ” [mất dậy không chỗ nào nói nổi], không bao giờ gọi chúng tôi là “thằng tù”.



Một lần chúng tôi ngồi nghỉ trước nhà anh trên lề đường để uống nước và hút thuốc lào do con anh mang đến. Nội quy cấm không được tiếp xúc với dân, nếu vi phạm sẽ bị cùm trong nhà kỷ luật vì vậy mọi sự tiếp xúc phải lén lút đừng để bọn cán bộ bắt gặp. Nhân tiện tôi hỏi cháu sao không gọi các chú là “thằng tù“ giống như các đứa trẻ khác. Cháu trả lời “Bố cháu dạy các bác các chú là thành phần học thức miền Nam, vì vận nước phải đi tù chứ không có tội tình gì cả.Các con phải đối xử lễ độ với họ và tôn trọng họ“. Thấy sự việc càng ngày xẩy ra không đơn giản, phải có nguyên do xâu xa nào đó mà tôi chưa biết.

Trong đầu tôi tự hỏi mãi “tại sao”, mà chính tôi chưa bao giờ trả lời được. Lúc bấy giờ trong trại khoảng 300 tù nhân chỉ có 2 người là TQLC, tôi và anh Nguyễn Văn Ðốc. Nhưng anh Ðốc làm thợ rèn không bao giờ ra khỏi trại, chỉ một mình tôi TQLC lao động ngoài trại (Anh Ðốc đã mất vài năm nay tại Houston.)
Mãi đến ngày gần Tết năm 78, tôi được trại giao công tác lấy lá dong mang về trại để gói bánh chưng cho bộ đội lẫn tù nhân. Tôi đi ngang qua nhà anh, thấy anh ra hiệu tôi xuống suối trước cửa nhà anh, rồi anh đi theo xuống gặp tôi và lại ngồi gần tôi. Một lúc rất lâu anh không nói năng gì cả.
Tôi thấy anh ngồi trầm tư và suy nghĩ, đôi mắt nhìn tôi chăm chú.Tôi ngồi im lặng tôn trọng sự suy nghĩ cuả anh.Một lúc sau anh bắt đầu kể với giọng trầm buồn:
– Năm 73 sau ngày ngưng chiến, một buổi sáng nhiều sương mù, tôi đi theo bờ biển để tìm cua, ốc tại thôn Gia Ðẳng. Vì không kiểm soát được nên tôi lọt qua phòng tuyến của anh và bị các anh bắt được. Tôi rất lo ngại là sẽ bị các anh đánh đập, nhưng ngoài sức tưởng tượng của tôi, các anh đã đưa thuốc cho tôì hút và tử tế đưa tôi về BCH của các anh.
Tôi được một anh lính Thủy đánh bộ mang quân hàm Thượng úy hay Ðại úy gì đó, tôi không biết chắc chắn lắm, dẫn tôi ra Huế để ăn uống và xem chiếu bóng bằng xe ôtô con. Thú thật anh, trong lòng tôi vô cùng cảm xúc cách đối xử tử tế của các anh. Nhưng tôi không thể ở lại với các anh mặc dù tôi rất muốn, vì các anh cũng biết tôi còn gia đình hiện đang sống bên kia và sẽ bị trù dập nếu tôi là hàng binh.
Sau một ngày đi chơi rất thoải mái tôi được các anh trả về đơn vị tôi. Từ đơn vị của các anh tôi chạy về đơn vị tôi. Thú thật tôi không ngờ các anh không bắn theo tôi mà thực sự có ý định thả tôi. Tôi về phải làm tờ kiểm điểm và phải nói lên sự đối xử tàn ác của các anh.Thú thật anh lương tâm tôi rất xẩu hổ nhưng không viết như vậy không được.


Rồi đến ngày “Giải phóng miền Nam“, tôi bị phục viên và được chỉ định đem gia đình về đây sinh sống. Tôi nghĩ chế độ nào dù bạo tàn hay nhân đạo theo thời gian cũng phải thay đổi, con người dù sống một thế kỷ rồi cũng mai một đi. Chỉ có tình người là trường tồn vĩnh cửu, mặc dầu chế độ và xã hội hiện tại rất hiếm hoi.“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng“.
Ngày hôm nay tôi đối xử tử tế với các anh là vì tôi nhớ mãi sự tử tế của các anh đối xử với tôi, mà trong tư tưởng tôi luôn luôn bị nhồi nhét các anh là thành phần ăn gan uống máu đồng loại. Tôi nghe bộ đội nói tên anh và cho tôi biết anh là “Lính Thủy đánh bộ“ trốn trại vừa bị bắt lại còn đang kỷ luật.
Ngày hôm nay tôi kể cho anh nghe câu chuyện này mà tôi đã dấu kín từ lâu. Tôi biết anh là lính thủy đánh bộ nên thổ lộ cảm nghĩ của tôi vì tôi tin anh cùng đơn vị đã bắt tôi cũng đã biết hoặc đã nghe chuyện này. Tôi muốn nói với anh lời cuối, anh nên giữ gìn sức khoẻ, đừng có trốn trại mà sẽ không bao giờ thoát được mà chỉ thiệt thân, hãy chờ đợi ngày về với gia đình. Tôi không biết thời gian nào nhưng tôi nghĩ rằng sẽ lâu lắm.Ðiều tiên quyết là anh phải còn sống mới về xum họp với gia đình, anh nên nhớ điều hết sức quan trọng này.

———-

Sau khi nói xong anh đưa tôi gói xôi và trở lại nhà, và nói “Anh ăn đi tôi không có gì hơn để giúp anh.” Trong khi vừa ăn xôi vừa nghĩ lại những lời tâm sự của anh.
Ðúng là năm 73 sau khi có lệnh ngưng chiến tại chỗ đơn vị của Thiếu Tá Trần Quang Duật, Tiểu Ðoàn Phó TÐ1/TQLC có bắt được 1 tù binh đi lạc vào tuyến phòng thủ của TÐ1 ở thôn Gia Ðẳng. Sau khi giải giao về BCH/LÐ/258 đang đóng ở Hội yên.
Lữ đoàn Trưởng Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh đã xin lệnh cấp trên để đưa anh ra thị xã Huế ăn uống vui chơi mong tìm hiểu thêm tin tức và mong anh ta hồi chánh. Tôi được cấp xe, tiền để đưa anh ra Huế ăn uống và xem chiếu bóng. Tôi không hỏi tên anh vì tôi nghĩ anh sẽ nói tên giả. Ðầu tiên ăn phở anh ăn ngon lành như chưa từng được ăn ngon như thế, được uống cà phê, hút thuốc lá và đi xem chiếu bóng.
Trước khi về tôi đưa anh ra quán chè ở cồn Hến để anh giải lao và nhìn đồng bào ta nhộn nhịp qua lại. Anh đăm chiêu và tận hưởng những gì được ưu đãi, chắc anh nghĩ trong đời anh khó có dịp được hưởng lần nữa. Một lúc anh nói với tôi: “Các anh tử tế lắm, ăn uống rất ngon và thành phố tấp nập. Tôi thích lắm, nhưng tôi không ở lại với các anh được vì tôi còn gia đình đang sống bên kia”. Trên đường trở về tôi được lệnh trả anh về cho TÐ1/TQLC để đơn vị này thả anh tại nơi bắt anh để anh trở về đơn vị.

———-


Biết rõ và nhớ rất rõ từng chi tiết theo lời tâm sự của anh. Nhưng suốt thời gian nghe anh tâm sự, ngồi lặng yên tôi lắng nghe.Không xác nhận cũng như không nói lời nào cả.Ở tù với CS một thời gian tôi thấm thiá sự gian trá lừa lọc và tàn ác của họ.
Năm 1979 khoảng tháng 7 trời rất là nóng bức từng cơn gió Lào làm cháy da thịt. Tôi xuống suối để rửa mặt cho đỡ nóng bức. Anh xuống theo và gặp tôi. Anh Trung đưa cho tôi 2 củ khoai lang đã chín, vài viên kẹo, một nắm thuốc lào và nói: “Tôi chỉ có thể giúp anh bấy nhiêu, anh cũng biết là mọi người rất nghèo, không dư dả như miền Nam của các anh. Tôi nghe 5 người trốn trại sẽ được di chuyển đến trại khác vào ngày mai. Tôi chúc anh may mắn, và tôi nghĩ chúng ta khó có ngày gặp lại. Mong anh giữ gìn sức khoẻ”.
Tôi suy nghĩ sự chuyển trại là một tin không bao giờ cho tù nhân biết, nếu tiết lộ sẽ có biện pháp kỷ luật ngay.Chắc là anh tin tôi mới cho tôi biết. Tôi bèn nói nhanh với anh vì ngập ngừng thì tôi sẽ không bao giờ dám nói: “Người Lính Thủy Ðánh Bộ mà anh kể chính là tôi”. Nói xong tôi chào anh và quay lưng lên đường nhập chung với đội.
Ðúng ngày mai, 5 người chúng tôi chuyển về liên trại nhập chung với những người trốn trại ở các trại khác di chuyển về trại Phú Sơn 4 Bắc Thái để công an quản lý. Tôi nhớ mãi hành động cũng như cách cư xử thân thiết và tử tế của anh.Tôi nguyện trong lòng một ngày nào đó, nếu còn sống sót để trở về với gia đình tôi sẽ tìm gia đình anh để thăm.Mãi đến cuối năm 87 tôi mới được thả ra khỏi trại cải tạo về với gia đình.
Về đến nhà bao nhiêu chuyện phải lo: lo ăn, lo mặc, lo chỗ ở, lo kiếm tiền để sinh sống cho chính mình và gia đình mình. Sau đó phải lo giấy tờ hồ sơ để xuất cảnh. Bao nhiêu chuyện phải gánh vác không còn thì giờ nghĩ đến gia đình anh Trung cho đến khi gia đình tương đối ổn định sau khi được định cư ở Hoa Kỳ.
Năm 1994, nhân một chuyến làm ăn ở Kuala Lumpur (Malaysia) với 1 người Hoa quốc tịch Mã Lai. Trong khi chờ đợi hợp đồng với 1 xưởng mộc, anh ta hỏi tôi có muốn về thăm viếng VN hay không.
Tôi không có ý định về VN vì chế độ CS còn tồn tại, cha mẹ tôi đã qua đời, hơn nữa tôi mới rời đất nước một thời gian ngắn khoảng 4 năm, không có lý do để về VN. Bỗng tôi nghĩ đến anh Trung tôi đổi ý muốn về VN một chuyến. Sau vài ngày ở Saigon, tôi tìm cách đi ra miền Bắc đến tỉnh Hoàng Liên Sơn tìm gia đình anh Trung.Ðáng tiếc cảnh vật cũng như người đã thay đổi, không có cách gì tìm lại được gia đình anh. Tôi trở lại Saigon trong lòng vô cùng hối tiếc và ân hận. Nhưng tôi nghĩ mọi việc đều được thượng đế an bài, tôi cố công đi tìm nhưng không gặp được cũng là do ý trời. Lý luận như thế để lường gạt lương tâm được yên ổn không còn bứt rứt nữa.
Vài ngày sau đó không có chuyện gì để làm, hơn nữa Saigon nóng bức và chật chội, tôi có ý định về miền Tây chơi. Tôi ra bến xe Tân cảng Phú lâm mua vé xe về Cần thơ.
Trong khi chờ đợi xe khởi hành, tôi ngồi quán uống nước nhìn người qua lại tấp nập và vội vã hình như thời gian không đủ đối với họ. Bỗng nghe 2 anh khuân vác giành mối gây nhau bằng giọng Bắc mà theo kinh nghiệm xương máu của tôi đúng là giọng Bắc Kỳ năm 75. Hai anh cãi nhau nhiều, nhưng chỉ một câu làm tôi chú ý và ngạc nhiên. “Mày, con Trung Khều, bố con mày là thành phần phản động phải sống ở vùng núi, không được sống vùng đồng bằng như gia đình tao, tao không xem mày ra gì c…” Câu nói này làm trong đầu óc tôi hiện lên hình ảnh quen thuộc xa xưa, nhưng không biết chắc đúng hay không. Ðợi 2 anh cãi xong lại gần anh bị anh kia mắng, tôi hỏi: “Anh quê ở đâu mà vào Nam làm nghề khuân vác”. Anh nhìn tôi ngỡ ngàng và đôi chút ngạc nhiên.Tôi bèn mời anh lại chỗ tôi ngồi và gọi nước cho anh.
Một lúc sau anh ta tâm sự, “Gia đình tôi trước ở Mường Côi tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau đó cả gia đình di chuyển về Phủ Lý tỉnh Nam Ðịnh để sinh sống. Nhưng cuộc sống quá khổ thiếu thốn đủ thứ, gia đình quá nghèo nên tôi định vào Saigon để kiếm tiền giúp gia đình.”Tôi bèn hỏi “Hồi nẫy tôi nghe anh kia nói bố anh là Trung Khều phải không?” Anh nhìn tôi và nói: “Bố tôi là bộ đội phục viên, tay bị thương nên mang tật”.
Tôi bèn nói bố anh làm nghề thợ may phải không? Anh ngạc nhiên hỏi vì sao tôi biết.Anh nhìn tôi chăm chú và nói “Bác là Việt kiều ở nước ngoài về phải không?”Tôi hỏi tại sao anh lại đoán chắc như thế.Anh bèn chỉ đôi giầy tôi đang mang và nói “Ða số người ta chỉ mang dép mà bác lại mang giầy Adidas”.Tôi mỉm cười nói với anh ta “Tôi cũng ở Mường Côi Hoàng Liên Sơn 3 năm”. Anh cười nói “Bác nói giọng Nam rặt sao lại ở Hoàng Liên Sơn?”.Tôi bèn nói tôi ở tù cải tạo ở đó. Anh ta mừng rỡ nói, “Bác ở trại tù 9 căn bị cháy hết đó phải không?” Tôi nói phải, anh nhớ dai lắm. Anh ta nói thêm: “Các bác các chú ở trong trại đó lao động ngang qua nhà cháu, hay nghỉ hai bên đường trước cửa nhà để uống nước và hút thuốc lào”.

Tôi liền nghĩ: “Khổ công lặn lội đi tìm không được, tình cờ lại gặp cố nhân”. Tôi bèn hỏi thăm bố mẹ anh ta. Anh ta kể: “Bố cháu bây giờ yếu lắm, di chuyển đi lại khó khăn, không làm gì cả. Chỉ có mẹ cháu buôn bán ngoài chợ Phủ Lý nhưng không đủ ăn.Không có vốn làm sao kiếm tiền được.Gia đình cháu rất vất vả và nghèo khổ.” Tôi lấy 200 đồng (Dollars) để giúp anh và gia đình anh và gửi lời hỏi thăm bố mẹ anh… Tôi nói tên tôi cho anh biết và nghĩ rằng bố anh có lẽ còn nhớ.Tôi viết địa chỉ cho anh để sau này anh có thể liên lạc được với tôi.
Sau 7 ngày lang thang ở VN, tôi trở lại Malaysia để tiếp tục công việc làm ăn… Trong lòng tôi thực sự thơ thới, hân hoan cũng như tràn đầy hạnh phúc, như vừa trút bỏ gánh nặng ngàn cân trên vai và đã thực hiện được điều tâm nguyện của mình.Mọi việc lặng lờ trôi vào quá khứ và tôi quên bẵng đi một thời gian. Năm 1995 khoảng tháng 5, tôi nhận được một lá thư. Lời lẽ trong thư là lời lẽ của một anh bộ đội miền Bắc đã phục viên. Tôi muốn gìn giữ từ ngữ của anh dùng để người đọc có ý niệm rõ chứ tôi không có ý dùng từ ngữ VC…..
“Tôi được con tôi kể lại, anh tặng cho nó và gia đình tôi một số tiền quá lớn đối với trí tưởng tượng của tôi. Tôi nghĩ trong chế độ xã hội hiện nay rất thiếu tình người, không ai cho tôi một số tiền lớn lao như thế và đối xử tử tế như anh vậy. Nhờ đó vợ tôi có số vốn buôn bán, cuộc sống đỡ hơn trước nhiều lắm.
Thật sự bây giờ tôi không thể nào hình dung được hình ảnh của anh, hình như thời gian đã làm cho tôi quên mất. Nhưng việc làm của anh đã giúp cho tôi “một ấn tượng bức xúc” không bao giờ tôi quên được.Tôi rất mừng cho anh và gia đình anh đã thoát khỏi sự cùng cực đau khổ.
Là nạn nhân của một chế độ bất nhân, tàn bạo và hận thù nhưng mọi người trên thế giới mở rộng vòng tay giúp đỡ. Chế độ đó, tôi đã phục vụ cả cuộc đời tôi và hy sinh xương máu để bảo vệ.


Cuối cùng tôi xin nói với anh rằng. Thuyết nhân quả của nhà Phật đã đánh tan bức tường vô thần trong đầu óc tôi. Bây giờ sự suy nghĩ của tôi vào giờ phút còn lại của cuộc đời hoàn toàn thay đổi hẳn. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào câu nói của nhà Phật “Gieo nhân nào hưởng quả nấy”

Tôi thành thật cảm ơn anh. Sự tử tế của anh đã làm biến đổi con người tôi thành người tốt như hiện nay, theo ý tôi nghĩ…




MX MAI VĂN TẤN

HƯNG YÊN * NGƯỜI CỰU TÙ

  Mẩu Đời Một Người Cựu Tù Cải Tạo



Hưng Yên

Hôm nay là ngày bầu cử, trường học đóng cửa nên thằng Thanh theo thằng Hoàng ra chỗ sửa xe ngay từ buổi sáng. Khi mọi người đã đi hết, ông Ba Cất mở “trạn” lấy cơm nguội ra ăn; cánh cửa trạn vừa mở ra ông đã nghe mấy con gián chạy rào rào. Nhưng cũng chẳng sao, ở trong trại cải tạo ông ăn phải gián là thường, mấy người khác cũng vậy, mà có thấy ai kêu la hay khạc nhổ gì đâu! Ruồi, rệp, gián và người cùng ở chung với nhau.

Thau cơm độn khoai lang khô, khoai mì khô hay bo bo lãnh về chưa kịp chia, ruồi đậu đen nghịt ở phía trên. Thau nước mắm “đại dương” lãnh về (toàn nước muối pha với chút nước mắm cho có mùi) mấy chục con ruồi nổi lều bều... Lấy tay xua xua, đuổi đám ruồi ở thau cơm, lấy thìa vớt mấy con ruồi ở thau nước mắm bỏ đi rồi chia cơm, chia nước mắm. Lúc chia anh em ngồi lõ mắt ra nhìn, chỉ sợ chia không đều, phần mình ít hơn phần người khác.
Miếng cháy lớn bằng nửa bàn tay bẻ ra làm mười bỏ lên trên mười phần cơm của mười người, chỉ nghe có tiếng cằn nhằn là cháy bẻ không đều, miếng to, miếng bé chứ chẳng thấy ai kêu nhiều ruồi nhiều nhặng bao giờ! Chúa Nhật không phải đi lao động ở nhà, ai có thăm nuôi thì nấu nướng linh tinh, đám con bà phước (người không có thăm nuôi) vô sản thì nhìn người ta ăn rồi nuốt nước miếng, vì Chúa Nhật hay ngày lễ nghỉ không đi lao động thì không có ăn sáng. Ăn rồi kẻ vá quần áo, người lật mùng, lật chăn ra bắt rệp. Rệp đâu mà nhiều thế không biết, bắt hôm nay ngày mai lại có, giết chán mỏi tay nó lại hôi rình bèn bắt bỏ vào cái hũ pê li xi lin rồi thỉnh thoảng lấy ra xem nó bò chơi.
Còn gián cũng vậy, sinh sôi nẩy nở tràn lan vì giang sơn của mỗi người tù chỉ rộng không bằng một chiếc chiếu cá nhân nên chiếu của người này phải trải chồng lên mép chiếu của người kia. Rồi thì muối, mắm, tương, chao, đường tán, mì vụn v.v. nói chung là mọi thứ tài sản của một người tù đều được để trên “xích đông” thuộc phần mình ngay chỗ đầu nằm, thế là trước khi người ăn, gián đã tha hồ mà hưởng thụ.

 Buổi sáng trước khi đi lao động ngồi nhai miếng bột khoai mì luộc dầy bằng đốt ngón tay và lớn bằng hai ngón tay chụm lại lãnh từ tối hôm trước. Ðang nhai mà nghe đến xựt một cái rồi thấy hôi hôi, tanh tanh, lờ lợ là biết ngay đã nhai phải một chú gián chui trong cái lỗ hổng ở miếng bột khoai mì. Nhưng mặc mày, “ông” nhắm mắt nuốt luôn vì nếu nhả mày ra thì “ông” còn gì đâu nữa mà ăn!
Ông Ba Cất đã ăn phải gián là thường vì thế mà ông chẳng bận tâm gì đến mấy con gián đang chạy rào rào ở trong cái gác măng giê. Ông chỉ nghĩ bụng: mình sẽ phải sửa lại cái gác măng giê, nó hở nhiều chỗ quá rồi!


Còn được một bát đầy cơm nguội, ông Ba Cất chan vào một chút nước mắm rồi ngồi ăn. Cũng may nồi cơm được đậy vung cẩn thận, gián không chui vào được nên không có mùi hôi. Mới hôm qua, hôm kia đây thôi, còn ở trong tù mà có được bát cơm như thế này thì đã là một hạnh phúc vô biên. Quanh năm suốt tháng chỉ ăn độn, những năm về sau này, mùng một tết mới có được bát cơm trắng nhưng tiêu chuẩn củng chỉ nhỉnh hơn bát cơm ngày thường một chút nên ăn cũng chẳng đủ no.
Ông Ba Cất ngồi nhai bát cơm nguội chan với nước mắm. Lẽ ra nó phải ngon lắm, nhưng ông lại không thấy có gì đặc biệt cả, lại nữa ông cũng không cảm thấy đói để cần ăn.
Từ hôm qua đến nay bữa này là bữa thứ hai ông không phải ăn độn. Bữa cơm tối hôm qua còn có cá trích kho, rau muống luộc chấm nước mắm và nước rau muống luộc có bỏ chút muối làm canh. Tuy ăn có ngon hơn ăn cơm tù nhiều thật, nhưng chỉ sau hai bát là ông đã không ăn nữa. Bà hỏi sao ông ăn ít thế. Ông bảo trong tù ăn ít nó quen rồi, nay ăn nhiều sợ hại bao tử, phải từ từ rồi mới ăn nhiều được, cũng như người bệnh lâu ngày mới khỏi, ăn cho cố vào là có chuyện ngay! Tuy nói thế, nhưng còn một lý do thứ hai mà ông Ba Cất không nói ra là ông về bất ưng, nhà không biết để nấu thêm phần cơm ông, nếu ông ăn nhiều thì vợ với các con ông sẽ đói. Hơn nữa dưới chế độ xhcn ưu việt làm bất cứ một việc gì mỗi người đều có tiêu chuẩn cả, ngay cả ăn cũng thế.
Từ nhà ông đến đồn công an phường Thắng Tam đường xa hơn 3 cây số, ông Ba Cất cuốc bộ mất gần một tiếng đồng hồ. Nhưng đi bộ một quãng đường như thế đối với ông là chuyện tầm thường. Ngày mới từ trại Suối Máu được đưa đi lao động tự quản ở Trảng Bom, cải tạo viên đã phải vào rừng chặt tre, chặt lá buông, chặt cây đem về tự dựng lấy lán, lấy nhà để ở. Trong mấy công tác này, ông Ba Cất thích được đi chặt tre nhất. Muốn có một cây tre, cải tạo viên phải cuốc bộ cỡ 12 cây số đường rừng để đến được khu rừng tre.

Chọn được bụi tre vừa ý rồi, người chặt tre phải làm thế nào để sau khi phá một bụi tre có thể lấy được tối thiểu là 4-5 cây một lúc, chứ nếu chỉ lấy được một 1-2 cây thôi thì uổng công lắm. Cái khó khăn vất vả nhất của việc chặt tre là dọn sạch từ dưới lên trên để có thể leo lên tít trên ngọn. Chặt đứt 5-6 ngọn cây tre đi rồi leo xuống chặt phần gốc xong là có thể rút được cây tre ra dễ dàng. Tiêu chuẩn của mỗi người một ngày là một cây tre, dài 6 mét trở lên, phía gốc to tối thiểu phải bằng cái lon gô. Mà tre là tre rừng lâu năm, cành, lá, gai góc đan chằng chịt vào nhau, phá được một lối đi vào sát bụi tre là đã vất vả lắm rồi, nên nếu không kiên trì và không biết cách thì không dễ gì mà lấy được một cây tre.
Ði chặt tre người ta cũng không đi một mình mà thường đi thành từng nhóm hai, ba người để người nọ phụ người kia, tiếp tay nhau mà chặt cành, mà kéo cây tre ra khỏi bụi, v.v. Nhóm ông Ba Cất chỉ có hai người, ông và anh Nguyễn Ðình. Ông thích đi với anh Nguyễn Ðình vì anh là người cùng đơn vị với ông, cùng ở cư xá Trương Công Ðịnh, anh chẳng những đã hiền lành lại rất tháo vát. Còn anh Nguyễn Ðình cũng thích đi với ông Ba Cất vì ngoài cái tình thân từ trước, ông Ba Cất còn là một kiện tướng chặt tre.

Vì là lao động tự quản nên sáng ra lãnh phần ăn sáng và phần ăn trưa rồi ai muốn đi trước thì đi, ai muốn đi sau thì đi, không bắt buộc phải đi cùng một lúc với nhau và không có công an võ trang vác súng đi theo. Ấy là chỉ những người trách nhiệm đi chặt tre, chặt lá buông hay chặt cây về dựng lán, dựng nhà thôi, chứ những người đi phá rừng hay làm rẫy thì lại khác.
Ông Ba Cất thích đi chặt tre vì tuy phải đi xa những 12 cây số, đi và về 24 cây số, nhưng sau khi phá xong một bụi tre, lấy được 5-6 cây tre xuống rồi thì ông và anh Nguyễn Ðình mỗi người một cây, mấy cây còn lại đem giấu thật kĩ. Nếu thấy trời còn sớm thì trên đường về có thể vừa đi vừa “cải thiện” linh tinh: nắm rau sam, nắm cải trời hoặc là quả bí, quả muớp để chiều hôm đó có cái mà nấu nướng thêm, miễn là vác được cây tre, bó lá buông hay cây cột về tới trại trước bốn giờ chiều giao cho anh tổ trưởng kiểm soát, ghi vào sổ báo cáo thế là được.


Hôm sau đi chặt tre thì chỉ việc đến chỗ cũ rút ra hai cây tre đã giấu ngày hôm trước, sau đó thì tha hồ mà đi cải thiện. Có lần ông và anh Nguyễn Ðình còn câu được cả mấy chục con cá trắng, loại cá ở suối trông gần giống như con cá diếc, lớn gần bằng hai ngón tay. Ðem về làm sạch rồi đốt lửa nướng, hôm ấy hai anh em được một bữa “bồi dưỡng”! Sau này chuyển trại về Hàm Tân, Thuận Hải Z30C thì toàn là đẩy xe cải tiến hoặc là gánh nước tưới rau. Ngày gánh 60 đôi nước từ suối đi lên, dốc ngược, trơn như mỡ mà ông Ba Cất còn đi được xá gì việc đi bộ từ nhà đến đồn công an có hơn 3 cây số.
Hôm ấy là ngày bầu cử, đồn công an vắng hoe, mọi người đều đi công tác, chỉ còn một anh công an ngồi ở phòng trực. Thấy ông Ba Cất lò dò bước vào, anh ta trừng mắt lên hỏi:
- Ði đâu đây, có việc gì, sao giờ này không đi bầu cử mà lại đến dây?
Ông Ba Cất móc túi lấy tờ giấy “ra trại” mở ra cầm bằng cả hai tay đưa cho anh công an, khẽ thưa:
- Báo cáo cán bộ, tôi mới được ra trại, hôm nay đến trình diện đồn!

Anh công an cầm tờ giấy lẩm nhẩm đọc rồi ngước mắt lên hỏi:
- Có thuốc không?
Ông Ba Cất có gói thuốc rê ở trong túi, nhưng nghĩ chả lẽ lại mời cán bộ hút thuốc rê, nên ông nói trớ đi:
- Báo cáo cán bộ tôi không hút thuốc!
Anh công an bỏ tờ giấy ra trại của ông Ba Cất vào hộc bàn, đóng xập lại rồi vẫy tay bảo:
- Về đi, mai đến lấy!
Nói rồi anh ta đứng lên như là chuẩn bị đi đâu đó. Ông Ba Cất nằn nì:
- Báo cáo cán bộ tôi chỉ có mỗi tờ giấy đó, xin cán bộ ký nhận cho là tôi đã trình diện rồi cho tôi xin lại, vì hôm nay là ngày bầu cử... chưa nói hết câu thì anh công an đã trừng mắt lên:
- Ðã bảo về đi mai đến lấy còn lải nhải gì nữa, hay là muốn ở lại đây luôn?
Ông Ba Cất lủi thủi đi về lòng vừa buồn vừa lo! Bực mình bất giác ông lẩm bẩm chửi thành tiếng: ÐM nó, ở đâu cũng giống nhau, trong trại muốn được yên thân cũng phải hối lộ, về đây cũng thế!

Ở trong trại, tù nhân muốn được yên thân, muốn không bị làm phiền cũng phải hối lộ cho quản giáo, cho cán bộ võ trang. Hình thức hối lộ là như thế này: Tù nhân thì anh nào cũng rách như cái sơ mướp, trên chỉ có bộ răng, dưới chỉ có “bác hồ”, đói khát triền miên, nhưng những anh “con bà phước” chả nói làm gì còn những người khác thỉnh thoảng cũng được thăm nuôi. Mà có thăm nuôi thì thế nào cũng có thuốc rê hay thuốc lào bởi tù cải tạo hiếm có người không ghiền thuốc.
Cha cố, sư thày, ngày còn ở ngoài đời mà phì phèo điếu thuốc thì thật là khó coi lắm, thế mà vào đây các vị cũng kéo thuốc rê, rít thuốc lào như điên! Quan thày thuốc ngày trước cứ sau khi đụng vào bệnh nhân một tí là lại đưa tay ra cho y tá xịt an côn để xát trùng. Còn thuốc rê với thuốc lào thì đừng bao giờ nói với các vị vì đó là những thứ thuốc độc cần phải tránh xa. Thế mà vào đây, tù khám bệnh cho tù, sau khi khám xong quan đốc tờ được mời quấn điếu thuốc rê hay rít một điếu thuốc lào thì hai mắt quan đốc tờ sáng lên!
Cũng bởi hầu hết tù nhân sau khi được thăm nuôi thế nào cũng có thuốc rê hay thuốc lào nên mới có một cái luật bất thành văn là như thế này: Sau khi được thăm nuôi, buổi sáng hay buổi chiều đi lao động, ngoài tiêu chuẩn thuốc cho anh, anh phải vấn sẵn 4-5 điếu thuốc rê hay gói sẵn 4-5 bi thuốc lào để hối lộ cho cán bộ quản giáo hay cán bộ võ trang. Số thuốc này anh giao cho đội trưởng để thỉnh thoảng đội trưởng lại mời cán bộ hút một điếu. Cán bộ có thuốc “phê” đều đều sẽ vui vẻ không làm khó dễ anh em. Anh nào mới được thăm nuôi cũng phải làm nghĩa vụ như thế, cho đến khi trong đội có người khác được thăm nuôi thì nghĩa vụ của anh mới chấm dứt. Nếu cùng một ngày mà có đến mấy người được thăm nuôi thì sẽ chia nhau mỗi người mấy ngày phải cung cấp thuốc cho cán bộ.


 Ông Ba Cất cứ đều đều 2 tháng được thăm nuôi một lần nên cứ mỗi 2 tháng là ông lại phải thi hành “nghĩa vụ” một lần. Sáng cũng như chiều, ông vấn sẵn 4 điếu thuốc rê đưa cho anh đội trưởng cùng với lời dặn: Ðừng đưa cho nó một lúc, cứ đợi đến khi nó “vã” lắm rồi mới cho một điếu. Ðưa một lúc nó hút hết rồi thì không có đâu mà cho nữa!


Nếu chẳng may mà lâu quá trong đội không có ai được thăm nuôi, chẳng lẽ người được thăm nuôi cuối cùng cứ phải cung cấp thuốc cho cán bộ mãi, khi đó “nghĩa vụ” sẽ thuộc về anh đội trưởng. Anh làm sao thì làm, cán bộ “vã” thuốc quá trở nên cáu gắt, làm khó dễ anh em thì anh em sẽ ÐM anh đội trưởng. Gặp những trường hợp như thế thì anh đội trưởng lại đi vòng vòng thì thào năn nỉ anh em bớt mồm bớt miệng “cứu bồ” trong cơn túng ngặt, thế là anh đội trưởng lại có thuốc “đút” cho cán bộ.
Ở trong tù thì thế, nay được ra khỏi tù đến trình diện đồn cũng bị công an hỏi “có thuốc không”? Không có thuốc, bị công an giữ tờ giấy ra trại rồi đuổi về “mai tới lấy”! Hôm nay là ngày bầu cử, “chó vàng” chạy đầy đường, đi đứng lạng quạng, nó hỏi giấy tờ không có, lỡ nó đem nó nhốt rồi gửi đến một trại nào đó thì vợ con biết đâu mà tìm. Vì nghĩ vậy nên khi về được đến nhà rồi, suốt ngày hôm đó ông Ba Cất không dám bước ra khỏi cửa!
Tối về, ông kể chuyện cho vợ nghe, bà thở dài bảo:
- Em bậy quá, đáng lẽ phải bảo con Thảnh đưa cho anh mấy điếu Jet hay Samit mới phải, bây giờ làm cái gì cũng phải có thủ tục “đầu tiên” mới được!

ĐẶNG THỊ TUYẾT NHƯ * CÂU CHUYỆN VƯỢT BIÊN


CÂU CHUYỆN VƯỢT BIÊN

  Đặng Thị Tuyết Như



Khi đi chùa, vợ chồng tôi có thói quen ngồi cuối cùng nơi chánh điện phía bên trong dù rằng phía trên còn nhiều chỗ trống. Hôm ấy có một đạo hữu cùng chí hướng với tụi tôi, ông ta tươi cười chào hỏi chúng tôi rồi ngồi xuống bên cạnh nhà tôi. Ông tự giới thiệu tên ông là Thọ.

Nhìn ông, tôi ngờ ngợ, chợt nhớ ra ông ta giống hệt cậu trai vừa bưng gíúp tôi nồi xôi vò từ xe vào chùa.
Tôi hỏi ngay : Có phải anh đi với con trai anh không?
- Vâng, sao chị biết? Ông đáp.
Tôi cười nói : vì hai cha con anh giống nhau quá.
Ông Thọ cười lớn : Chính vì thế mà suýt nữa tôi mang họa đấy.
- Sao vậy anh ? Tôi hỏi.
Bỗng có tiếng trên máy vi âm :
- Xin mời quý vị đứng dậy cùng nghinh hòa thượng giáng lâm.

Chúng tôi ngừng nói chuyện, tất cả đứng dậy chắp tay cuối đầu. Hồi chuông niệm hương, buổi lễ bắt đầu. Lễ chấm dứt lúc một giờ trưa, chúng tôi xuống nhà dưới dùng cơm chay, không quên rủ ông Thọ ngồi cùng bàn. Vừa ăn vừa nói chuyện nho nhỏ.

Ông Thọ kể tiếp chuyện. Ông nói : Anh Chị biết không, gia đình tôi đến được Mỹ cũng trầy da tróc vảy. Chẳng khác gì Mạnh Hoạch bị cụ Khổng Minh bắt bảy lần, tôi cũng vượt biên tất cả bảy lần mới thoát. Cái họa vì hai cha con chúng tôi giống nhau xảy ra ở lần vượt biên thứ sáu.
-'' Chà, bảy lần đi trốn chắc ly kỳ lắm ''. Chồng tôi nói.
- Nhiều chuyện lắm, lúc đó sợ thấy mồ nhưng đến bây giờ
nghĩ lại thì thấy tức cười .
Tôi tò mò, nài nỉ ông Thọ kể thêm chuyện.
Thế là chủ nhật nào, khi dùng cơm chay ở chùa là tuị tôi rủ ông Thọ và vài người nữa ngồi cùng bàn để nghe chuyện. Ông Thọ lần lượt kể bảy lần vượt biên của ông.

Lần thứ nhất : Vừa ra khỏi trại học tập cải tạo, ăn Tết xong, tôi có mối đi. Nơi khởi hành là Nha Trang. Em tôi ở thị xã này. Lấy cớ thăm em để rồi trốn đi luôn. Ngay cả vợ chồng nó, tôi cũng dấu, nói dối chúng nó là có việc làm ở Nha Trang, nhân thể ghé thăm, hôm sau đi nhận việc. Để che mắt công an, buổi họp tổ khu phố tối hôm đó, tôi theo bà già vợ nó đi họp. Các buổi họp Tổ thường toàn là ông bà già đại diện gia đình. Đa số ít học, đi cho có mặt, các ông bà ngủ gật là thường. Công an khu phố phải chỉ từng người bắt phát biểu ý kiến.
Bà Năm phải phát biểu. Bà nói :'' Chế độ cũ chó đẻ, chế độ mới chó chết ''. Mọi người cắn răng nín cười.
Công an khu vực cũng kiên nhẫn hỏi : '' Xin Bác giải thích rõ hơn cho Tổ nắm được ý kiến ''. Bà thản nhiên đáp :
'' Chế độ cũ chó no chó đẻ, chế độ mới chó đói chó chết ''.
Mọi người cười ngất. Bà Năm phải học tập bảy ngày vì chưa thông đường lối của nhà nước.

Đến lượt bà Lành phải phát biểu, bà hồ hởi nói : chúng tôi rất biết ơn cách mạng vì nhờ ơn cách mạng mà chúng tôi ngày nay chúng tôi không ăn đạn pháo kích của Việt cộng. Vài người ngơ ngác, vài người làm mặt tỉnh. Quả tình bà Lành chẳng biết Việt cộng là ai chứ bà không có ý xỏ xiên, nhưng bà cũng phải học tập bảy ngày vì tội phát biểu ''linh tinh''. Lúc đó Việt Nam đang đụng độ vói Trung quốc, thấy các bà phát biểu không có lợi, anh công an chỉ đại tôi và nói:

- ''Xin Anh cho biết cảm nghĩ trước sự xâm lăng của địch''. Tôi đáp ngay bằng cách nói lại lịch sử đời Trần và kết luận rằng nhân dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên, tất nhiên ngày nay chắc chắn sẽ thắng nữa; rồi để cứu nguy cho chính mình, anh xin hát bài '' Hội nghị Diên hồng'' để tặng cả Tổ. Nhờ giọng ca hùng tráng, tôi được vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Sở dĩ tôi làm vậy, vì thấy nếu nói thêm vừa lòng anh công an thì chết với các bà như bà Năm mà nói vừa lòng cả Tổ thì có ngày đi học tập mút chỉ.


Ngay đêm đó, mười hai giờ khuya, tôi đi bằng ghe đánh cá. Biển sóng lớn quá, cấp sáu, cấp bảy gì đó, ghe đi không nổi. Mọi người đề nghị quay về . Có người nói : '' bị bắt cũng đươc, khi thả ra đi nữa, chứ chết thì hết đi''. Người đạo Phật, người đạ0 Chúa cầu chúa, có anh thanh niên kia cứ vái '' lạy ông cá bà cá đừng bắt con''. Cuối cùng ghe phải quay trở lại bờ. May quá, chuyến đi này không có đứa con nít nào, khi công an xét hỏi, tụi tôi nói láo là đi đánh cá, gặp sóng lớn phải quay về. Lúc hỏi giấy tờ, tôi cầm chừng như chết đến nơi, tôi chí thành cầu Phật bà Quan Âm cưú khổ, cưú nạn cho tôi. Thật là linh ứng, tôi không hiểu sao, tôi đứng áp chót không bị xét mà tên công an lại hỏi ông đứng đằng sau tôi, là người cuối cùng. Thế là tôi thoát nạn và tôi trở về Sài Gòn ngay chiều hôm đó.


Lần thứ hai : Lần thứ hai vợ tôi lo cho tôi đi bằng đường bán chính thức. Đường dây này dành cho người Hoa nhưng có nhiều người Việt giả vờ làm người Hoa cũng đi. Tôi lấy tên là Lý Thiên. Hồi còn đi học tôi đứng sau quỷ và ma, thường nhái những Ông Tàu nói tiếng Việt nên bây giờ tôi nói tiếng Việt kiểu người Tàu nói giống lắm. Chuyến đó tàu khẩm (400 người). Tàu lại chết máy phải quay trở lại. Má tôi la tôi: '' Tại bay lấy cái tên ngỗ nghịch quá, trời phạt đấy''. Tôi đuối lý, lặng thinh. Ngày 29/6/79, bán chính thức đóng cửa. Thế là tôi mất toi mười cây.


Lần thứ ba: Lần này đi chui hoàn toàn không mua bến, mua bãi, không mua công an. Thằng cha kết chủ ghe là Miên lai, vợ Việt, nó móc nối với bạn tôi, sẽ đi ở Rạch Giá. Bạn tôi rủ tôi, tôi bằng lòng. Chủ ghe nói sẽ bóc nhiều chuyến từ cá nhỏ ra cá lớn Cá lớn, lớn lắm phải đậu ở cửa biển. Cá nhỏ chở tôi, hai ông nữa, hai bà và thằng chèo ghe. Bạn tôi không đi vì chết nhát, vợ hắn, chị Nga gan hơn thế chỗ hắn. Tôi nói với Chị: ''Chị Nga à, tôi thấy tướng thằng cha kết gian hùng liệu nó có lừa mình không ?

Chị đáp: ''Nó có gian hùng mới làm nghề này, đi thì cứ đi, đừng thắc mắc. Tôi thấy chị nói cũng có lý. Mười hai giờ khuya, cá nhỏ khởi hành, trời tối đen như mực, đi lâu lắm, trời tang tảng sáng, thằng chèo ghe tắp vào một đảo nhỏ và chỉ một hang đá bảo tụi tôi tạm trú ở đó, đến chín giờ tối sẽ ra cá lớn là tới Thái lan liền. Tôi đói, ăn ổ bánh mì phết mật ong mà vợ tôi đã bọc cho tôi. Bỗng có tiếng lạ: Jésus, lạy chúa tôi''. Ông ngồi bên cạnh vội bịt mồm bà lại. Thì ra trước mặt Bà Thoa là con rắn đen phun phì phì. Tôi vội liệng hòn đá đuổi rắn đi. Mọi người, ai có gì ăn nấy để cầm hơi. Tôi ngậm thêm miếng sâm. Suốt tối hôm đó, chúng tôi chờ dài cổ chẳng ma nào đón.Bà Thoa chửi đổng:

'' Cha tiên nhân mày, mày lừa bà rồi, quân trời đánh thánh vật, mày ăn không của bà cây rưỡi ''. Quả đúng, chúng tôi đã bị lừa. Chúng tôi lo lắng ngồi trong hang nơi hòn đảo hoang vắng, chung quanh là nước mênh mông. Xế trưa, may quá có một ghe nhỏ đi qua, chúng tôi cầu cưú, năm người gom được mười một ngàn đồng Việt Nam đưa cho chủ ghe để được vào đất liền. Chủ ghe còn dặn tụi tôi rằng :'' nếu có gặp công an thì bà con nói là đi ăn cưới ở ngoài hòn về nhé ''. Tôi nghĩ thầm : '' đi ăn cưới mà lem luốc như một lũ ăn mày, liệu công an có tin không ? ''. Nhưng hên quá không gặp công an, mọi người mừng húm. Tới Sài Gòn, tôi không dám về nhà, đi cùng chị Nga về nhà bạn. Dọc đường, chúng tôi đóng kịch cứ như vợ chồng đi làm lao động về. Khi thấy chúng tôi, thay vì lo sợ, bạn tôi lại cười tươi rói nói với vợ rằng : '' Thấy em về, anh mừng quá ''. Vợ nó tức lắm, la chồng :'' Tiền mất, không đi được mà anh mừng à? ''. Nó lặng thinh. Sau này nó tâm sự với tôi rằng: hôm vợ nó đi, nó chỉ cầu cho vợ nó đừng đi được để về với nó.

Vợ chồng nó hiện giờ đang ở Cali, đi theo diện H.O.


Lần thứ tư : Nghỉ xả hơi hai tháng, vợ tôi lại tìm mối cho tôi đi nữa, nơi khởi hành là Bến Tre. Tụi tổ chức tham quá. Số lượng là năm mươi người, chúng lại còn nhận thêm người do công an gởi.
Tài công không chịu lái, sợ chết chìm hết. Cải lộn rùm trời. Chuyến đi bể. Cả ghe bị bắt trọn. Tôi bị giam ở Bà Bèo ( K.20), làm lao động.



Ai đã từng bị tù ở k.20 mới thấy hãi hùng. Con trâu bừa rơm làm việc đến nỗi sau khi tháo ách ra nó nằm chổng bốn vó lên trời, thế mà tuị tôi, '' những sĩ quan Cộng hòa '' chịu nổi đấy. Nơi đây tôi gặp con trai Hồ Hữu Tường là Hồ Sỹ Tú. Lý lịch anh Tú khi khai chắc tức cười lắm. Tôi khai tôi là thợ sửa xe đạp. Thằng cha công an hù tôi : '' mặt mày anh sáng sủa thế kia chắc là sĩ quan ngụy nói láo là thợ sửa xe chứ gì ? '' Tôi bình tĩnh đáp : '' Mặt mày tôi là trời sinh ra, tôi dốt nát, anh không tin thì nhìn chữ viết của tôi anh sẽ biết tôi học đến đâu ''. Tên này thấy tôi nói có lý, không hỏi thêm nữa. Số là chữ tôi rất xấu. Hồi còn đi học, tôi thường bị Ba tôi đánh, thầy giáo la vì chữ tôi nguệch ngoạc. Nay điều này lại giúp tôi để nói dối.

'' Họa chi vì phúc là vậy ''. Khi bị thẩm vấn, lời khai của mọi người nhiều khi tức cười lắm. Có một ông Tàu già khi bị hỏi: Động cơ nào thúc đẩy anh đi ? Ông đáp gọn lỏn: '' Sáu lốc''.'' Thế là hồ sơ của ông có câu '' Đi vì ngu ''. Một bà khác bị hỏi : Tại sao chị bỏ nước ra đi ? Bà đáp :'' Tôi đi vì thấy người nhà bà hàng xóm nhà tôi ở Mỹ gởi kẹo chocola về, ăn ngon quá ''. Thế là hồ sơ bà có câu :''Đi vì tham ăn''.
Đôi lần ở k.20 tôi có ý vượt ngục, nhưng quanh trại tù là dòng sông lớn, bơi không giỏi khó thoát nên tôi vội bỏ ý định đó. Sau này bạn tôi kể có một Luật sư tên Trung bơi qua sông và thoát. Hiện nay anh ta định cư ở Úc.
Nhờ chịu cực giỏi, lao động tốt, sau bảy tháng tôi được tha. Về nhà, đã bị xóa hộ khẩu, tôi sang ở nhà ông bà nhạc bên Gia định. Đi hoài không được, tôi cũng nản, nhưng không sợ. Cứ như người ghiền xì ke, hễ đâu có mối là tôi đi.

Lần thứ năm : Tôi đi cùng cậu Thanh, em vợ tôi, khởi hành ở Rạch Giá. Người tổ chức quyết định đi Thái Lan cho gần. Ghe chở ba mươi người, đi chui một trăm phần trăm. Tám giờ tối khởi hành, chờ hoài tài công không đến. Chủ ghe nói ông Ngọc, một khách hàng có kinh nghiệm lái tàu cả ba mươi năm, đề nghị ông Ngọc lái thay tài công.
Nhiều người ngần ngừ, ai cũng sợ bị bắt, cuối cùng đều đồng ý để ông Ngọc lái. Gần mười giờ tối, ghe khởi hành, trời tối đen như mực, sóng vỗ vào mạn ghe nghe ràm rầm. Trời mờ mờ sáng, một hòn đảo xuất hiện, mọi người vỗ tay reo tưởng đã đến bờ vinh quang. Gần tới bờ ai nấy té ngửa : công an đứng lố nhố đang chờ chúng tôi. Té ra là đảo Phú Quốc. Thế là trọn ghe bị bắt. Chúng tôi bị áp tải vào đất liền.


Đây là lần đầu tiên cậu Thanh đi, vợ cậu đưa cho cậu năm chỉ vàng để khi nào tới đảo có tiền đánh điện tín và chi tiêu.Sau này mới vỡ lẽ ra như sau: Số là ông Ngọc vô tình kể chuyện với chủ ghe rằng trước khi di cư vào Nam(1954), cha ông có tàu buôn chạy đường Nam Định Hải Phòng, lúc đó ông ngọc mười tám tuổi, người lái tàu dạy cho tập lái và có lần chính ông lái một mình suốt đường đi Nam Định Hải Phòng. Chủ ghe biết vậy không mướn tài công nữa để tiết kiệm được bốn người (tài công, vợ, hai con), lại vừa được tiền ông Ngọc.Thế là hắn có một tài công '' có trên ba mươi năm kinh nghiệm lái tàu ! ''


Lúc tới đất liền, khi đi đường, cậu Thanh dúi cho tên công an áp tải năm chỉ vàng và thế là hai anh em tôi trốn thoát. Tôi lại lang thang nơi này nơi kia, bạn bè rủ tôi về Hóc Môn gặt lúa. Tôi làm việc rất siêng năng và luôn luôn hát những bài ca cách mạng. Mọi người xung quanh đều nghĩ rằng tôi đã là một con người mới hoàn toàn. Rời Hóc Môn về Saigòn để chữa bệnh sốt rét : tôi lại có mối đi. Đi đường Vũng Tàu, lần này tôi đi cùng hai mẹ con Dì Hên, em vợ tôi. Vợ tôi đi xem bói, thầy bói nói: đi ba xui, nên cho thêm thằng Phước, con tôi đi cùng ( bốn người: mười cây). Thầy bói còn tán rằng thằng Phước mạng thủy tương sinh với mạng mộc của tôi, có Phước, được Hên, phen này thế nào cũng tới nơi. Tôi thì lại nghĩ khác, tôi dặn dì Hên và thằng Phước rằng, nếu chẳng may bị bắt thì dì Hên nhận thằng Phước là con để nó được về sớm, thằng Phước đừng nhận tôi là bố nó. Nghe tôi nói, vợ tôi vội '' phủi phủi '' và lườm tôi.


Ghe khá lớn, đã ăn thua với chủ ghe rồi, công an còn gởi thêm người nữa, chủ ghe không chịu vì vợ con hắn cũng ở trong chuyến này. Công an phản phé, gài bắt khi thấy người cuối cùng đã lên tàu. Khi khai lý lịch dì Hên nhận Phước là con. Ba mẹ con dì bị giam ở khu A. Tôi bị giam ở khu B. Tôi khai tôi là thợ hớt tóc (khi học tập cải tạo tôi có được nghề này) tôi đi hôi, tình cờ đi qua gặp chuyến nên nhảy đại lên ghe, không mất tiền bạc gì cả và cũng chẳng biết chủ ghe là ai Các anh cai tù, tóc anh nào cũng dài. Tôi được lệnh hớt tóc cho mọi người. Họ đưa cho tôi một cái tông đơ rất cùn. Khi hớt có lúc đứt cả da đầu người đương hớt, kêu oai oái. Khổ cho tôi, hễ thấy tôi làm việc thì thằng Phước đứng ngoài cửa sổ ngó vô. Tôi lườm nó, có ý đuổi nó đi nhưng nó không biết. Có lần tôi giả vờ nói :'' con nít đi chơi chỗ khác, kẻo tóc bay vô miệng '', nhưng nó cũng không hiểu. Rồi một hôm, tên công an đang hớt tóc chợt nhìn nó la lên : '' Nó là con anh phải không? '' _ Không, tôi đáp.

Hắn tiếp : anh mũi tẹt, mặt phèn phẹt, mặt nó giống anh như đúc.
Có đúng thì nhận đi, tụi tôi đỡ phải '' làm việc ''. Tôi thản nhiên chỉ một ông Tàu cũng có gương mặt như tôi đang đi tới chỗ chúng tôi mà nói : mặt ai mà chẳng phèn phẹt, mặt ông kia cũng phèn phẹt như tôi, người giống người là thường, không tin anh thử hỏi nó thì biết.

Tên công an gọi Phước lại, nạt nó :
_ Ba mày đây phải không?
_ Dạ, không phải. Nó đáp.
_ Tại sao mày hay đến đây ?
Thằng nhỏ cũng lanh trí nói : '' Cháu thấy hớt tóc cũng ngồ ngộ, tóc cháu dài muốn nhờ bác ấy hớt dùm nhưng chưa dám nói ''.
Tên công an hơi khờ nhưng còn chút lòng nhân không hỏi thêm nữa và bảo tôi hớt tóc cho thằng nhỏ. Tôi mừng hết lớn, vừa hớt tóc vừa nói :'' Tao hớt cho bay xong, bay không được đến đây nữa nghe không.


Xém tao chết oan vì mày ''. Thực ra, dì Hên sai thằng Phước dò la xem tôi thế nào và đã dặn nó nếu có bị công an hỏi thì cứ nói muốn hớt tóc. Ba mẹ con dì Hên bị tù một tháng thì được về. Tôi lại ở tù lần nữa. Cái nghề hớt tóc đã hại tôi, hồ sơ tôi không được xét xử, họ giữ tôi có lợi cho họ ; hớt tóc khỏi tốn tiền. Vợ tôi phải chuộc tôi ra một cây, cho người môi giới ba chỉ nữa. Tù lần thứ sáu vượt biên này mười tháng.

Về nhà, tôi chán đời lắm, lại đi lang thang.
Một hôm đang đi trên đuờng Trương Minh Ký, chợt có tiếng la :
'' Trời, Thầy Thọ, em nhìn mãi mới ra, trông thầy tệ quá! '' Đó là Minh, một học trò cũ của tôi hồi tôi còn là sinh viên đi dạy giờ ở Gò Công.
Hàn huyên một đổi, hắn hỏi nhỏ tôi :'' Thầy muốn đi không? '' Tôi giả vờ trợn mắt : '' bộ bay muốn gài bẫy tao hả? ''
Hắn thành thực: '' Không, em nói thật đấy, em đang đi tìm người, nhà em có ghe, thầy đi em lấy rẻ thôi.''
Tôi hẹn hắn đến nhà tôi nói chuyện kín đáo hơn. Tôi nhận lời đi với gia đình Minh.
Lần thứ bảy này khởi hành ở Cà Mâu. Ghe đi sông dài mười mét .

Anh Ba của Minh lái ghe, có Điệp, chị Minh là người chỉ huy, thu tiền, lo việc bốc người . Minh là thợ sửa máy. Tôi và anh Tốn, bạn cô Điệp, trước làm ở hàng không Việt Nam, là người tính tọa độ. Có hải bàn, máy bơm nước. Lần này tôi đem theo hai đứa trai, thằng Phước và thằng Lộc. Ba cha con mất bốn cây '' kiềng vàng, vòng vàng lưỡng long chầu nguyệt '' của vợ tôi đều dùng vào chuyến đi này cho hai thằng con. Anh chị Tốn cùng ba đứa con cộng chung với bà con họ hàng nhà Minh tất cả là hai mươi lăm người lớn nhỏ.
Chúng tôi để ra sáu tháng để '' điều nghiên ''. Khi đi bán muối, lúc bán củi, lúc bán chuối, lúc bán dừa, bán khoai.



Thời gian này là thời gian tôi giang hồ nhất. Cuộc đời bềnh bồng trên sông nước. Đêm rằm, neo ghe trên sông, trăng sáng vằng vặc, sóng nước mênh mông, hồn tôi nở ức tới vô biên, tình tôi bao trùm vũ trụ, tôi thấy cô đơn hơn bao giờ hết và chợt hiểu tại sao Lý Bạch ôm bóng trăng mà chết! Đêm không trăng, muôn ngàn vì sao lấp lánh trên bầu trời, hàng trăm con đom đóm lập loè trên hàng cây bần hai bên bờ sông. Tôi nghĩ đến thân phận mình, không biết tôi sẽ đi về đâu?



Có thể sẽ sống huy hoàng nơi đất khách quê người, cũng có thể sẽ chìm sâu dưới lòng đại dương; tôi nghĩ đến Má tôi, nghĩ đến vợ con tôi, nước mắt tự nhiên trào ra không sao cản lại được.
Đi theo ghe thường xuyên, da tôi dễ bắt nắng, có hai tháng tôi đen như củ súng, lúc về nhà Má tôi không nhận ra tôi, như vậy càng tốt.
Người xấu xí ít ai để ý. Minh có lần nói với tôi : vượt biên nhận những người đẹp trai, nghệ sĩ dễ bị lộ và nó đã từ chối không nhận bác sĩ Lân, một bạn tôi vì anh Lân khá đẹp trai!
Tụi tôi chở hàng đi qua các đồn công an biên phòng, la cà vào làm quen, rủ công an đi ăn nhậu. Anh Ba là một bợm nhậu, tính tình hời hợt, vui đâu chầu đấy nên sau có hai tháng anh đã quen rất nhiều công an. Anh Tốn mách kế : nên chơi với tụi công an trẻ dể dễ lừa nó.


Một hôm, sau khi '' đánh chén '', một công an trẻ mở lời: '' các anh có quen ai muốn vượt biên mách mối cho em với, tụi bên sông ông Đốc làm ăn mập lắm, ở đây em đói dài ''. Thật là '' buồn ngủ lại gặp chiếu manh ''. Anh Ba đưa mắt nhìn tôi, tôi hiểu ý, liền nói :'' những người vượt biên bị gài nhiều, thành ra họ dè dặt lắm ''.Dũng đáp :'' Em không như vậy đâu, anh cứ tìm đi, rồi anh cũng có phần ''.
Tôi ỡm ờ :'' Chia tư nhé, chú ba, tôi một ''. Dũng bắt tay tôi liền.
Về nhà, chúng tôi bàn tính. Những chuyến đi buôn sau có thêm ông Thái là cậu của Anh Ba. Hôm đó đang nhậu cua rang muối, tôi làm ra vẻ hớn hở nói với Dũng: '' Dũng à, anh tìm đưọc một chỗ, họ hẹn rằng nếu thoát, họ đưa Dũng bốn cây, vàng họ sẽ giao cho anh và cậu Thái giữ, họ yêu cầu ngày họ '' đổ quân ''thì Dũng đừng xét các ghe nhỏ,

'' Dũng có chịu không? '' Dũng đồng ý liền.
Một tuần sau, tôi đưa cho Dũng một radio cassette, nói dối là của '' khách hàng ''biếu, cứ mười ngày hoặc hai tuần lại cho Dũng quà, khi thì tiền, khi thì vải vóc, quần áo, khi thì rượu mạnh, bánh kẹo ngoại quốc.



Tháng ba âm lịch đã đến. (Tháng ba bà già đi biển !) Ngày 9 tháng 3 Tân Dậu (1981), tụi tôi '' xuất quân ''. Trên ghe lớn có tôi, anh Ba, Minh đến đồn Dũng chơi, cũng là ngày Dũng không xét ghe nhỏ. Khi ăn trưa, anh Ba '' phá mồi ''nhiều hơn là uống. Hai giờ chiều, vô tình Dũng cho tôi mượn cái ống nhòm nhìn thử, ống nhòm tốt thật.
Hắn hỏi:
- '' Anh thấy các thứ rõ không?''
- ''Rõ lắm, tốt quá.


'' Và tôi đã thấy bốn ghe nhỏ phe ta. 3giờ 30 tụi tôi chào Dũng về và ra thẳng cửa biển, nơi các ghe nhỏ đợi. Mọi người lên ghe lớn, còn thiếu cô Điệp, hai mẹ con chị Tốn, hai đứa cháu cô Điệp. Đúng tám giờ tối, tụi tôi ''đề'' như ước hẹn, bỏ lại năm người. Máy vừa nổ, bỗng có người quảy một gánh tiến gần đến ghe tôi đậu, có ý kiếm ai. Hắn lẩm nhẩm một mình:'' bảo là đặt bánh tét cho đám cưới, mang ra hòn hay là mang đi vượt biên thì có. Chuyến đi chắc bị bể nên không đến lấy thì chết cha Tư Lé này, gần ba trăm đòn bánh làm sao bây giờ! '' Nghe vậy chúng tôi sợ quá, tôi la lớn : ''Anh Tư Lé đấy hả, đợi anh muốn chết, sao tới trễ thế, đưa bánh xuống đây ''. Tư Lé đáp giọng vui mừng:

'' Ừa, để tôi quẩy xuống''. Tôi nói khẽ với anh Tốn: '' mang đại hắn đi, để hắn trở về có khi mình chết ''. Anh Tốn đồng ý. Tôi nói tiếp : '' Anh Tư nằm tạm chỗ này, ngủ một giấc đi tới hòn lấy tiền nhé ''.
- '' Ừa, mà có xa không? ''
- Độ hơn một tiếng.
- '' Vậy được, tôi cũng buồn ngủ lắm, đêm qua thức cả đêm để kịp giao hàng bữa nay ''.
Nói rồi, Tư Lé nằm xuống sàn ghe có lót tấm ni lông, vài phút sau hắn đã ngáy khò khò. Đi suốt đêm ghe tôi có gặp vài ghe đánh cá nhưng vẫn bình yên.


Trời sáng rõ, Tư Lé tỉnh giấc, ngơ ngác. Tụi tôi đành nói sự thật. Tư la làng và khóc quá. Cô Lý an ủi Tư : lỡ rồi, tụi tôi sẽ mang anh đi Mỹ, anh sẽ bảo lãnh vợ con sau, em tôi nói :''nghề anh ở Cali làm ăn khấm khá lắm ''. Tư cũng phải chịu trận thôi.
Ra tới hải phận, gặp cướp lần thứ nhất, có lẽ là tụi đánh cá Thái Lan, '' mỡ để miệng mèo ''thì nó đớp. Sáu thằng phóng sang ghe tôi, tụi tôi gom góp cả ghe được tám chiếc cà rá vàng y đưa cho chúng. Chúng lại phóng về thuyền của chúng quăng cho tụi tôi một bịch mì gói và hai thùng ni lông nước uống.



Tụi tôi trực chỉ Mã Lai, xế trưa gặp tụi cướp Mã lai, chúng đen như cột nhà cháy, hung dữ lắm. Chúng lục lội hết cả ghe, lấy tất cả quần áo tốt, lột cả cái áo len của cô Lý đang mặc. Chúng tôi lạy nó như tế sao. Lần này tụi tôi dâng chúng một dây chuyền vàng và hai đôi xuyến. Chúng phóng về ghe của chúng, không hãm hiếp ai và cho lại tụi tôi cái hải bàn. Thật là phúc đức !
Một đỗi sau bỗng ghe chòng chành, Minh nhảy xuống xem xét gầm ghe thấy mất một con ốc nơi bánh lái, nó vội lấy dây thép cột chặt.
Xa tít có một điểm đen, chúng tôi bảo nhau, mọi người đều nhìn vào điểm ấy, nếu thấy bất động là núi, nếu di chuyển là mây. Cuối cùng xác định là núi tức là sắp tới đất liền. Ghe tôi cứ thẳng tiến, con nít mệt nhoài. Thằng Phước thoa dầu cù là cho thằng Lộc vì nó lạnh quá. Tôi thì tát nước ở ghe ra biển vì máy bơm nước đã hư.



Một rặng dừa nơi bãi biển hiện rõ dần, lúc đó là tám giờ tối. Ghe không vào được, lúc đó cách bờ khoảng năm trăm mét. Chúng tôi xuống ghe, lội vào, nước có chỗ nông, chỗ sâu. Chỗ sâu nhất đến ngực tôi. Hai đứa con tôi ngồi trên hai vai tôi. Hai mươi mốt người đều lên được bờ. Đó là một làng đánh cá Mã Lai. Dân làng báo tin cho cảnh sát. Chúng tôi được đưa đến một đồn Mã Lai. Ai cũng chỉ còn vài bộ quần áo cũ. Đồ ăn bỏ lại hết trên ghe, nhiều nhất là bánh tét. Chúng tôi chỉ trải qua có năm mươi ba giờ lênh đênh trên biển cả. Lúc đi, vợ tôi đã khâu vào cửa quần của tôi một cái nhẫn một chỉ.

Tôi đeo vào tay cái nhẫn năm phân (đều là vàng y) để '' biếu'' cướp nếu gặp. Vợ tôi bảo để chỗ đó kín đệm vải dày, ít khi nắn tới, nếu nắn thấy cồm cộm nó cũng không nghi. Vợ tôi mưu cao quá, bà ấy là cựu học sinh Trưng Vương. Thật là con cháu hai Bà có khác! Cái nhẫn năm phân tôi đã ''tặng'' cướp Thái Lan, còn hai cái khâu ở quần, tôi đã chi tiêu trong năm tháng ở đảo Bi-đông.
Tới Bi-đông, tôi đánh ngay điện tín cho vợ tôi. Nội dung bức điện tín do vợ tôi thảo ra, bắt tôi học thuộc lòng như sau: '' Phước, Lộc, Thọ đang ở nhà cô Mai, đám cưới hai mươi người đến dự, bảo cậu Thái cho Dũng bốn cây colgate ''.

Chúng tôi đã gửi đúng lời hứa, nhờ cậu Thái trao cho Dũng bốn cây vàng. Dũng còn nói, nếu biết vậy Dũng cũng đi theo tụi tôi luôn. Tôi cũng gửi gấm Tư Lé cho ông trưởng trại Rớt, bạn tôi, nhờ anh Rớt giúp đỡ Tư Lé cho hắn đi Úc để dễ bảo lãnh vợ con.
Ba cha con tôi vào Mỹ. Cô Lý có chồng bảo lãnh cũng vô Mỹ. Còn lại tất cả đều đi Úc trong đó có Tư Lé.
Sau năm năm xa cách, vợ chồng con cái chúng tôi được đoàn tụ theo diện ODP.
Trải qua nhiều gian khổ, tôi thấy cuộc đời quả vô thường, được còn, mất mát như không.
Vì vậy, nay tôi tìm đến chốn Thiền môn để di dưỡng tính tình lúc '' dòng đời trôi đã về chiều ! ''. Nói rồi, ông Thọ ngâm vang:

Trần gian chẳng phải nơi ta ở,
Về, chỉ về cung Đầu xuất Thiên.


Ông Thọ thật là một người vừa có tính nghệ sĩ, vừa có tâm đạo. Hai câu thơ trên đã được ông sửa theo ý ông trong bài thơ của Bạch cư Dị :

Đã mến không mồn, chẳng thích tiên
Truyện ni e cũng việc hư truyền
Bồng lai chẳng phải nơi ta ở
Về, chỉ về cung Đầu xuất thiên.






ĐẶNG TUYẾT NHƯ
7/2010

Friday, January 10, 2014

VĂN TẾ LIỆT SỸ HOÀNG SA


11-01-2014


Văn tế tưởng niệm 74 chiến sĩ hy sinnh bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974

Nguyễn Khắc Mai
Theo Viet- studies

Nỗi hận giặc sôi gan chiến sĩ, quyết hy sinh nào kể chi thân;
Lòng yêu nước nung chí anh hùng, trường tranh đấu chẳng chờ chi tuổi.
Quyết một phen phanh xác quân thù,
Liều trăm trận đền ơn sông núi.

Nhớ các anh xưa
Tuấn tú khôi ngôi,
Thông minh lanh lợi.
Ruộng đồng cùng nương rẫy, bờ tre xóm bãi, cày cấy sớm trưa;
Mấy trăm năm chuyên cần, hai vụ mùa màng, mở mang lễ nghĩa.
Trời biển Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,
Bao thế hệ, nguyện thề, giữ đất giữ biển, giữ chủ quyền người Việt.
Tình anh em mặn mà, đằm thắm, trông nước non vời vợi, hẹn ước đinh ninh;
Tuổi thanh xuân hăng hái, nồng nàn, nhìn tháng ngày tương lai, mong chờ phơi phới.
Rằng hay,
Hàng trăm năm giữ đảo, đào giếng, dựng chùa, lượm thu sản vật,
Chinh phu bao lớp, đem thân tạc định giữa thiên thanh.
Mấy người đi, được mấy kẻ về?
Linh thiêng hóa thành chim báo dữ.
Giặc cướp đảo lăm le, tấm thân này nào há tiếc,
Lũ bá quyền hùng hổ, mưu gian nọ hãy diệt trừ.
Sóng dâng trào, lao mình trong mưa đạn, hiến thân cho nước nào quản nguy nan;
Biển nổi giận, cản bước chiến hạm thù, quyết liệt tấn công, sá gì đêm tối.
Người xông lên đảo, nhảy vào vòng vây, xả súng chống trả, làn khói đạn che mặt trận
đen sì.
Người hướng mũi tàu, xông giữa quân giặc, ngang dọc tấn công, dòng máu đỏ thắm
loang miền biển cả.
Trúng thương, bị đạn, vẫn hiên ngang chống lũ hung tàn.
Hạm vỡ, tàu chìm, nghĩa khí quyết không rời trận địa.
Thân chiến binh, phơi xác bãi sa trường, khói sóng mù khơi mông mênh bể nội.
Hồn chiến sĩ chơi vơi miền u tịch, mây trôi gió nổi, lãng đãng quê hương.
Giận vì bọn xâm lược, để lại con thơ mẹ già, ưỡn ngực ra chống giữ;
Cảm thay lòng ưu ái, đem theo chí lớn súng gươm, sống mái với quân thù.
Giáp Dần 74, nhật nguyệt Hoàng Sa bi tráng đi vào lịch sử,
Giáp Ngọ hôm nay, Núi sông,Trời biển, hào hùng ghi nhớ công ơn.
Hỡi ôi!
Vì nước, vì non,
Không danh, không lợi.
Nam nhi đại chí, nghìn xưa chẳng thẹn với tiền nhân;
Dũng sĩ nêu gương, vạn kiếp còn soi cho hậu bối.
Bài văn khóc anh hùng, xót thương chiến sĩ, ngâm nga giảng đường, ngờ đâu hợp với
những người nay!
Cuốn sử Việt vẻ vang, Văn Thà,Thành Trí , giảng mãi không thôi, oanh liệt sẽ thêm
vào nhiều trang mới.
Cuộc đời tuy ngắn ngủi, danh trượng phu còn mãi với giang sơn,
Công nghiệp chưa hoàn thành, nợ nam tử đã đền cho đất nước.
Nay xin truy điệu, 74 chiến sĩ Hoàng Sa, ngậm ngùi bấy: họp trước hương trầm,
Rày đã thương cuộc,40 năm là một chốc, cảm phục thay: ghi trong tim óc.
Cuộc đấu tranh còn đương tiếp diễn, khôn thiêng phò đất mẹ, giữ vững chủ quyền,
nền độc lập, cảnh vinh quang chắc chắn sẽ thành…
Khúc khải hoàn chưa biết sớm hôm, linh ứng gíúp giang sơn, nâng cao khí phách,
cuộc tự do, dân cường thịnh, thật không mấy nỗi.
Ô hô!
Thương nhớ mãi ngàn năm,
Bao chiến binh giữ đảo Hoàng Sa,
Những linh hồn Việt Nam bất tử !

Phước Thu –Khắc Mai phụng soạn, GS Vũ Khiêu hiệu chỉnh.

DANH SÁCH LIỆT SĨ HY SINH TRONG TRẬN HOÀNG SA 1974

T/T Chức vụ và họ Tên Đơn vị
1 Tr/sĩ CK Trần Văn Ba HQ 10
2 HS/CK Phạm Văn Ba HQ 10
3 HQ đại-úy Vũ Văn Bang HQ 10
4 HS/CK Trần Văn Bảy HQ 10
5 Th/sĩ nhất quản nội trưởng TP Châu HQ 10
6 Tr/sĩ nhất VT Phan Tiến Chung HQ 10
7 HS/GL Nguyễn Xuân Cường HQ 10
8 HS/ÐK Trần Văn Cường HQ 10
9 Tr/sĩ BT Trần Văn Đàm HQ 10
10 HS1 vận chuyển Nguyễn Thành Danh HQ 4
11 HS vận-chuyển Trương Hồng
Đào HQ 10
12 HS1/DV Trần Văn Định HQ 10
13 Trung-úy NN Lê Văn Đơn Người Nhái
14 HS/CK Nguyễn Văn Đông HQ 10
15 HQ tr/úy Phạm Văn Đồng HQ 10
16 HQ trung-úy Nguyễn Văn Đồng HQ 5
17 Tr/sĩ TP Đức HQ 10
18 TT1/TP Nguyễn Văn Đức HQ 10
19 Tr/sĩ TX Lê Anh Dũng HQ 10
20 HS/QK Nguyễn Văn Duyên HQ 16
21 Th/sĩ ÐT Nguyễn Phú Hào HQ 5
22 HS/ÐK Nguyễn Ngọc Hòa HQ 10
23 HS/GL Nguyễn Văn (nhỏ tuổi nhất) Hoàng HQ 10
24 HQ trung-úy CK Vũ Ðình Huân HQ 10
25 HS/TP Phan Văn Hùng Hùng HQ 10
26 Th/sĩ nhất ÐK Võ Thế Kiệt Kiệt HQ 10
27 Th/sĩ vận-chuyển Hoàng Ngọc (nhiều tuổi
nhất)
Lễ HQ 10
28 TT1/TX Phạm Văn Lèo HQ 10
29 Th/sĩ nhất CK Phan Tấn Liêng HQ 10
30 HS/TP Nguyễn Văn Lợi HQ 10
31 TT1/CK Dương Văn Lợi HQ 10
32 HS/NN Ðỗ Văn Long Người Nhái
33 Tr/sĩ ÐK Lai Viết Luận HQ 10
34 HS1/CK Ðinh Hoàng Mai HQ 10
35 HS1/TP Nguyễn Quang Mến HQ 10
36 HS1/CK Trần Văn Mộng HQ 10
37 Tr/sĩ TP Nam HQ 10
38 TT1/TP Nguyễn Văn Nghĩa HQ 10
39 Tr/sĩ GL Ngô Văn Ơn HQ 10
40 HS/PT Nguyễn Văn Phương HQ 10
713
T/T Chức vụ và họ Tên Đơn vị
41 TT1/PT Nguyễn Hữu Phương HQ 10
42 TS1/TP Nguyễn Ðình Quang HQ 5
43 TT1/TP Lý Phùng Quy HQ 10
44 Tr/sĩ CK Phạm Văn Quý HQ 10
45 Tr/sĩ TP Huỳnh Kim Sang HQ 10
46 HS1/vận chuyển Ngô Sáu HQ 10
47 Tr/sĩ CK Nguyễn Tấn Sĩ HQ 10
48 TT/TP Thi Văn Sinh HQ 10
49 Tr/sĩ Vận chuyển Ngô Tấn Sơn HQ 10
50 HS1/Vận-chuyển Lê Văn Tây HQ 10
51 HQ trung tá HT Ngụy Văn Thà HQ 10
52 HQđại-úy HH/TT Huỳnh Duy Thạch HQ 10
53 HS/TP Nguyễn Văn Thân HQ 10
54 TT/DT Thanh HQ 10
55 HQ tr/úy Ngô Chí Thành HQ 10
56 HS/PT Trần Văn Thêm HQ 10
57 HS/PT Phan Văn Thép HQ 10
58 HS1/vận-chuyển Lương Thanh Thi HQ 10
59 Th/sĩ DT Thọ HQ 10
60 TT1/VT Phạm Văn Thu HQ 10
61 TT1/DT Ðinh Văn Thục HQ 10
62 Tr/sĩ GL Vương Thương HQ 10
63 TT/NN Nguyễn Văn Tiến Người Nhái
64 HQ thiếu-tá HP Nguyễn Thành Trí HQ 10
65 Tr/sĩ TP Nguyễn Thành Trọng HQ 10
66 HS vận-chuyển Huỳnh Công Trứ HQ 10
67 TS/NN Ðinh Hữu Từ Người Nhái
68 Tr/sĩ QK Nguyễn Văn Tuân HQ 10
69 TT1/CK Châu Túy Tuấn HQ 10
70 Biệt hải Nguyễn Văn Vượng HQ 4
71 HQ trung-úy Nguyễn Phúc Xá HQ 10
72 Tr/sĩ TP Nguyễn Vĩnh Xuân HQ 10
73 Tr/sĩ ÐT Nguyễn Quang Xuân HQ 10
74 TS/ÐK
Xuân HQ 16


 

KAMI * PHẠM QUÝ NGỌ

Làm rõ tội danh của ông Phạm Qúý Ngọ không khó?




Lâu lắm người dân mới được một phen hả hê trên nỗi đau ê chề của nhà nước.
Những ngày này bất cứ tin tức nào cũng không hấp dẫn bằng tin tức liên quan đến lời khai trước tòa của ông Dương Chí Dũng, về khoản tiền khoản tiền 1,5 triệu USD. Điều mà ông Dương Chí Dũng khẳng định rằng đã đưa cho ông Phạm Qúy Ngọ - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an với tư cách Trưởng ban Chuyên án Vinalines. Ông Ngọ là người có tên bị Dương Chí Dũng khai đích danh là nhân vật gọi điện thông báo lệnh bắt đối với Dương Chí Dũng đã được phê chuẩn kèm theo lời nhắn nhủ "Chú nên lánh đi".
 Thông tin này được loan truyền nhanh như chớp, cũng chỉ ít giờ sau trên trang VnExpress đã cho đăng tải băng ghi âm lời phản ứng của ông Phạm Qúy Ngọ khẳng định mình vô can. Không chỉ thế vị Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an còn thách thức đưa ra những bằng chứng mà theo ông là vu khống bịa đặt. Ít lâu sau lần lượt xuất hiện các thông tin của người có trách nhiệm từ Bộ Công an, Trung tướng Hoàng Kông Tư khẳng định thông tin này không phải lần đầu, mà trước đó sau khi bị bắt ở Campuchia ít nhất đã hai lần Dương Chí Dũng đã cung cấp lời khai trên và đã một lần xin rút lại lời khai đồng thời xin lỗi ông Phạm Qúy Ngọ. Ngay tại thời điểm đó thông tin này đã được báo cáo lên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Và các cơ quan chức năng của Đảng, Bộ Công an… cũng đã vào cuộc, xem xét hết sức cẩn trọng và thấy rằng không đủ bằng chứng. Và cả việc nhà báo Nguyễn Như Phong khẳng định sự vô tội của ông Phạm Qúy Ngọ với bằng chứng ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho sự trong sạch của ông Phạm Qúy Ngọ (!?)
Điều đó cho thấy việc tìm các bằng chứng kết tội ông Ngọ ví như việc tìm kim đáy bể. Nhân chứng không, vật chứng không kể cả cái list các cuộc điện đàm của ông Ngọ cũng không hề có các cuộc gọi của Dương Chí Dũng. Vì có làm sao được khi người trưởng ban chuyên án Vinalines đã cẩn thận nhắc ông Dương Chí Dũng phải dùng simcard rắc để gọi vào một simcard rác của ông ta.

Bắt đầu từ việc Dương Chí Dũng khi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines cùng đồng bọn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc mua thiết bị ụ nổi không còn giá trị sử dụng của nước ngoài với giá đắt hơn thực tế nhiều triệu USD để chia nhau. Theo Cáo trạng thì bản thân Dương Chí Dũng đã được chia 10 tỷ VNĐ (khoảng 500 ngàn USD), cho dù riêng cáo buộc tham ô tài sản 10 tỷ đồng, ông Dũng nói trước tòa: "Đến chết cũng không nhận". Không lẽ kẻ như Dương Chí Dũng đã bị oan?
Nếu giả sử Bộ Chính trị cho rằng chi tiết Dương Chí Dũng được chia trong vụ mua ụ nổi 500 ngàn USD và để chạy vụ án này, bằng cách đưa cho Trưởng ban Chuyên án Vinalines, ông Phạm Qúy Ngọ tới 510 ngàn USD để đổi lại bằng sự giúp đỡ thì mọi việc sẽ đơn giản không gì quan trọng. Thì vụ án có thể được cho khoanh vùng và để xử lý nội bộ theo truyền thống. Bởi thà như thế chứ không thể mang một chuyện tày đình , một các bộ cao cấp nhận hối lộ tới nửa triệu USD như vậy từ miệng của một kẻ tử tù, có tên Dương Chí Dũng. Nguy hiểm hơn, thông tin này được báo chí thu âm, chụp ảnh và phát tán công khai thông qua các cơ quan truyền thông của nhà nước. Không lẽ tự nhà nước bôi xấu đảng và chính quyền?
Thực ra vụ việc này có lẽ đã được Ban Nội chính TW của ông Nguyễn Bá Thanh nghiên cứ kỹ và  triệt để khai thác. Trên tinh thần chấp nhận ít nhiều sự mất uy tín của phía chính quyền để tìm ra bằng chứng trói tội kẻ đứng đầu dung túng nhóm lợi ích lộng hành trong việc trục lợi tài. Vấn đề sẽ là ở chỗ trong số hơn 1,5 triệu USD mà Dương Chí Dũng đưa cho Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ trong đó có 1 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) gửi cho ông Phạm Qúy Ngọ để tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm chủ tịch được thực hiện dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn. Mà thực chất là vụ áp phe để thao túng và trục lợi mảnh đất vàng Nhà Rồng – Khánh Hội. Song tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bỏ lỡ cơ hội vàng, khi Dương Chí Dũng bỏ trốn. Giờ đây khu đất vàng này đã được Chính phủ phê duyệt tháng 4-2013 để đến năm 2020 sẽ di dời cảng Nhà Rồng – Khánh Hội. Theo kế hoạch, Khu cảng Nhà Rồng và Khánh Hội sẽ chuyển đổi công năng từ kinh doanh cảng biển sang trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ… Và trong thương vụ này Công Ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cảng Sài Gòn sẽ góp vốn bằng đất với Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng. Vingoup sẽ đầu tư tài chính toàn bộ để thực hiện dự án này .
Đây sẽ là vấn đề mấu chốt, điều đó cho thấy việc ông Phạm Qúy Ngọ nhận tiền của Vạn Thịnh Phát để "chạy dự án" để tìm kiếm lợi từ cá doanh nghiệp sân sau. Và quan trọng hơn trong lời khai của mình, nhân chứng Dương Chí Dũng đã nhắc đến tên của Đại tướng Trần Đại Quang, UV Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an là người có nhắc đến tên ông Ngọ - Trưởng ban chuyên án sẽ có ý kiến trong một câu chuyện làm ăn tại nhà riêng Đại tướng Trần Đại Quang.
Từ lời khai của Dương Chí Dũng, số tiền bị cáo tham ô (nếu có) được hưởng lợi bất chính và số tiền hối lộ khiến người ta thấy có gì không ổn. Nếu đây là sự bôi nhọ và vu khống của Dương Chí Dũng, người đã lĩnh bản án tử hình, điều này là khó thuyết phục đối với người đang tìm cách thoát chết. Ở tình thế này nếu lý giải bằng chuyện lập công chuộc tội thì nghe chừng thuyết phục hơn. Vì như thế sẽ tự cứu được mạng mình và  Dương Chí Dũng trở thành một nhân chứng. Hơn thế nữa, tính mạng sẽ được bảo toàn. Lập tức ông ta sẽ là một đầu mối quan trọng và là điểm đột phá của một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến một nhóm lợi ích mà ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Bá Thanh hai người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng đã nhiều năm tìm cách làm cho bằng được.
Do đó để buộc tội ông Phạm Qúy Ngọ, người ta sẽ và đang làm rõ số tiền 20 tỉ đồng bà Lan - Vạn Thịnh Phát đưa cho Thứ trưởng Ngọ.Đây sẽ là trung tâm điểm và là điểm đột phá của Ban Nội chính TW để khởi đầu việc chặt chiếc vòi của con bạch tuộc nhóm lợi ích đang là một vấn nạn làm đau đầu các đối thủ của Thủ tướng. Trước đây ít lâu trong khi tiếp xúc với cử tri Hà nội, ông Tổng BT Nguyễn Phú trọng đã khẳng định việc tham nhũng của các quan chức trong bộ máy nhà nước là hành vi có tổ chức. Mà theo ông Trọng đã có các dấu hiệu cho thấy việc tham nhũng có tổ chức có sự thống nhất và chỉ đạo từ các lãnh đạo giữ cương vị cao nhất trở xuống.
Với khoản tiền một triệu USD (20 tỷ) của bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) gửi cho ông Phạm Qúy Ngọ thông qua một người thứ ba tên là Tiệp. "Tức là có 2 người biết việc, chứ không phải một mình tôi. Đấy là cái thứ nhất, tức là có 2 người biết." như lời khai của Dương Chí Dũng. Hơn nữa trong thương vụ này Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phải ngậm đắng nuốt cay vì tuột mất cơ hội thì số tiền 1 triệu đô chạy dự án bỗng trở thành một khoản tiền lớn, của đau con xót. Và 1 triệu USD là một món tiền mà cơ quan điều tra dư sức làm rõ hành trình của nó, từ ai đến ai và dừng lại ở ai nếu họ quyết tâm làm cho rõ thủ phạm.
Trở lại phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế và chức vụ giữa tháng 12.2013 sẽ thấy một số tình tiết bất thường thú vị và đáng quan tâm. Đó là tại phiên tòa này, việc tác nghiệp của báo chí được hạn chế ở mức tối đa, mọi dụng cụ thiết bị của phóng viên bị cấm với tình trạng kiểm tra an ninh ngặt nghèo. Tuy vậy sự xuất hiện đột ngột của ông Nguyễn Bá Thanh một mình đến xem phiên tòa rồi lẳng lặng ra về và sau đó bị cáo Dương Chí Dũng trong vai một tử tù đã thản nhiên đọc thơ ca ngợi Đảng quang vinh cũng khiến không ít người đặt dấu hỏi. Vậy mà, trong vụ xử Dương Tự Trọng thì báo chí được đối xử hoàn toàn khác, hơn nữa Dương Chí Dũng xuất hiện tại phiên tòa với tư cách nhân chứng đột nhiên khai toạc giữa tòa những tin sét đánh động trời. Và cũng ông Nguyễn Bá Thanh cũng xuất hiện, rồi để sau sự xuất hiện đó là việc Thẩm phán công bố quyết định khởi tố ngay vụ án làm lộ thông tin tuyệt mật của nhà nước.
Những cái đó cho thấy đã có một sự tính toán rất kỹ càng của ông Nguyễn Bá Thanh trong vai trò Phó trưởng ban Chỉ đạo TW về tham nhũng. Điều đó cho thấy thông tin ông Phạm Qúy Ngọ nhận nửa triệu USD cũng không có gì là mới đối với ông Nguyễn Bá Thanh, và cũng có thể khả năng trong tay ông ta đã có đủ bằng chứng buộc tội đối với ông Phạm Qúy Ngọ. Đây là con đường thẳng, còn con đường vòng sẽ là việc làm rõ số tiền 20 tỉ đồng bà Lan - Vạn Thịnh Phát đưa cho Thứ trưởng Ngọ, như lời khai của Dương Chí Dũng tại Tòa. Và đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao Dương Chí Dũng buột miệng khai ra một điều chả liên quan đến vụ án Dương Tự Trọng?". Một điều với thời gian hơn một năm thì Ban Nội chính TW phải thừa sức làm rõ được. Nếu không tại sao ông Phạm Qúy Ngọ lại vội vã vào nhà thương và tai sao một quyết định khởi tố vụ án làm lộ thông tin tuyệt mật nhà nước lại được quyết định nhanh như vậy?
Cách đây ít tuần, trước phiên xử Dương Tự Trọng và đồng bọn thì ông Trưởng Ban Nội chính TW đi thăm Trung quốc. Điều này làm người ta liên tưởng đến vụ án Bạc Hy Lai - cuộc đấu đá nội bộ bên đó vừa khép lại. Nên nhớ, trước khi Bạc Hy Lai bị đưa ra xét xử, thì thì giám đốc công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân cũng đã bị buộc tội. Sự khởi đầu lần này ở Việt nam là một sự trùng lặp tình cờ hay có chủ ý? Phạm Qúy Ngọ sẽ là một con dê tế thần như Vương Lập Quân hay không?
Đúng như người ta bảo cứ đập mạnh Dương Chí Dũng (tử hình) là phải phọt ra Phạm Qúy Ngọ, giờ đập mạnh Mã ắt sẽ lộ Tướng. Kẻ nắm quyền lực cao nhất có khả năng chi phối và lũng đoạn các nhóm lợi ích. Điều mà các đối thủ chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang rất hy vọng có được qua các vụ xử các Đại án Tham nhũng.
Tuy nhiên đây không phải là một vụ việc được hiểu đơn giản là nhận hối lộ để là sai lệch vụ án hay chạy dự án. Mà là sự việc liên quan đến cuộc chiến quyền lực giữa hai phe trong Đảng. Phải hiểu những vụ việc tày đình không hiếm như thế ở Việt nam thì không có công lý, không có đúng hay sai và không có pháp luật. Mà chỉ có quyền lực của phe thắng thế nghiêng về phía nào, khi đó người bắt trộm và kẻ trộm ai sẽ là người có tội sẽ có câu trả lời.
Ngày 10 tháng 01 năm 2014
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

TƯỞNG NĂNG TIẾN * HÀNG QUỐC CẤM

Hàng Quốc Cấm


 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến


Người dân tiếp xúc với truyền thống định hướng một chiều lâu ngày sẽ vô tình tự triệt tiêu tư duy nhìn nhận vấn đề bằng con mắt đa chiều, đó là một vấn đề không thể phủ nhận được trong ý thức hệ của rất đông bộ phận người Việt hiện nay.
Mấy năm trước – khi ông Bùi Ngọc Tấn ghé qua Hoa Kỳ – chúng tôi có đi thăm thú vài nơi, hay nói theo ngôn ngữ “đương đại” là “tham quan” vài chỗ. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, tôi nghe nhà văn của chúng ta nhắc đi lại (đến) đôi ba lần, với ít nhiều hãnh diện: “Tôi là bạn của ông Dương Tường.”
Tuy chúng tôi biết nhau khá lâu nhưng đây là lần đầu mới diện kiến nên tôi không tiện hỏi:
          - Dương Tường là cha nội nào vậy cà?
Sau đó, tôi mới được biết thêm Dương Tường là một nhà thơ, và là một dịch giả (thế giá) ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông được mến mộ không thuần vì chuyện sáng tạo thơ văn mà vì đã tìm ra phương cách giúp cho bạn bè thoát cơn bỉ cực:
 “ Đi bán máu ... Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo xê xê còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít máu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu.
Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến...” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời Gian Gấp Ruổi“. Viết VBè Bạn. Fallchurch, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006).
Nghe đâu Dương Tường còn được thiên hạ (suýt xoa) nể phục vì quen biết lớn. Ông ấy có thể bán máu mà không cần qua cò, và cũng không bị xét nghiệm lôi thôi như bao kẻ khác. Tuy “thần thế” tới cỡ đó nhưng Dương Tường vẫn nhất định “ ... đứng về phe nước mắt!”
Ôi, tưởng gì chứ “nước mắt” thì tôi không hảo (lắm) và cũng hoàn toàn chả thấy hào hứng (tí nào) khi đi bán máu để nuôi thân, và ... nuôi cả gia đình. Tôi thực vô cùng kinh ngạc khi nghe Bùi Ngọc Tấn thốt lên là “những ngày đi bán máu rất vui,và ông ấy rất hãnh diện vì là bạn của ông Dương Tường.
 Sống với cộng sản mà lại làm bạn với một thằng cha chuyên môn “đứng về phe nước mắt” thì đời nếu không te tua (e) cũng bầm dập lắm. Qúi báu (mẹ) gì mà cứ khoe nhặng cả lên như thế, lạ thật!
Tuần rồi, tôi lại bị ngạc nhiên thêm “cú” nữa khi đọc mục hỏi đáp trên trang Thư Viện Pháp Luật của đất nước mình – xin ghi lại nguyên văn:
Hỏi:
tôi có người thân tới chơi.nhưng chưa kiệp làm tạm trú tạm vắng thì bị công an tới lập biên bản phạt.nhưng thời gian người thân tôi lên là chiều ngày thứ sáu.qua thứ bảy và chủ nhật thì họ không làm.tôi nghĩ qua thứ hai rùi lên báo cáo.nhưng đã bị lập biên bản tối ngày chủ nhật.công an tạm giữ giấy chứng minh nhân dân của hai người thân tôi.họ cứ hẹn lên hẹn xuống rồi lại điều tra sơ yếu lý lịch nhân thân gia đình rùi từ nhỏ cho đến lớn....mời lên lấy lời khai liên tục.hơn một tháng nay vẫn chưa giải quyết  xong.họ cứ mơi lên lấy lời khai hoài. không đi đâu làm được.vậy hỏi các cán bộ ấy đã làm iệc vậy đúng với pháp luật chưa.
chân thành cảm on !
Trả lời:
Theo quy định tại điều 31 luật cư trú 2006, người nhà bạn phải thực hiện thông báo lưu trú theo quy định. Vì người nhà bạn đến vào buổi chiều nên phải thông báo trước 23h cùng ngày. Việc thoogn báo này có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại đối với công an khu vực. Do đó, bạn chưa thực hiện đăng ký thường trú là vi phạm pháp luật và theo quy định thì sẽ phải chịu mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 11 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của chính phủ.
Ý quỷ thần, thiên địa ơi, có nơi nào trên hành tinh này mà đi thăm bạn lại bị công an “mời lên lấy lời khai liên tục cả tháng trời mà vẫn chưa giải quyết xong.” Còn người được thăm “bị công an tới lập biên bản phạt.” Đã thế, khi thắc mắc thì được trả lời rằng: “... bạn chưa thực hiện đăng ký thường trú là vi phạm pháp luật và theo quy định thì sẽ phải chịu mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng...
Số tiền này bằng lương trung bình hàng tháng của một công nhân! Ở đâu ra cái thứ “chính phủ” và “nhà nước” khốn nạn như thế, hả Trời? Vậy mà nó đã tồn tại gần hai phần ba thế kỷ trên đất nước này, và được người dân chấp nhận một cách thản nhiên – cũng thản nhiên y như chuyện họ coi bán máu như  một phương cách  để mưu sinh vậy.
Thảo nào mà người lạc quan (đến) như  Phùng Quán cũng phải thốt lên đôi lời cay đắng:
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây?
Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…
Tuy thế, vẫn theo lời Phùng Quán: Có nơi nào trên trái đất này/ Mật độ thương yêu như ở đây/Mỗi tấc đất có một người qùi gối/ Dâng trái tim và nước mắt ... cho đồng bào của mình – như tường thuật của Trọng Thành, nghe được qua RFI, vào hôm 07 tháng 12 năm 2013:
Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 năm 2013 là một dịp đặc biệt đối với Việt Nam, sau khi Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhân dịp này, Mạng lưới blogger Việt Nam – một nhóm do hơn 100 blogger chủ trương, được thành lập hồi tháng 7/2013 – kêu gọi tổ chức một số hoạt động quảng bá các giá trị nhân quyền, độc lập với các hoạt động dưới sự điều hành của Nhà nước.
Hai hoạt động chủ yếu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai 08/12 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Riêng sáng nay, tại Nha Trang, một nhóm thành viên của Mạng lưới blogger Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền bằng cách phân phát các tài liệu về nhân quyền trực tiếp đến người dân.
Về hoạt động ngày mai 08/12 tại Sài Gòn, blogger Phạm Lê Vương Các cho biết :
Ngày mai tại Sài Gòn sẽ có một buổi tổ chức sinh hoạt để quảng bá và vinh danh các giá trị Nhân quyền, bằng các hình thức như thả bóng bay và các anh chị em sẽ ngồi lại với nhau, để trao đổi, tìm hiểu bản Tuyên ngôn phổ quát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm hướng đến việc xây dựng cho mỗi cá nhân, công dân có được ý thức về quyền con người. Thông qua việc tìm hiểu về Nhân quyền, họ sẽ có được các kiến thức bổ ích, để có thể ngăn chặn được các hành vi vi phạm Nhân quyền đối với mỗi người dân.
Một người tham gia phát tặng TNQTNQ đang giải thích cho một người dân 
ở bến xe Mỹ Đình hiểu về quyền con người được ghi trong bản tuyên ngôn.
Ảnh và chú thích: Dân Làm Báo.
Công việc xem chừng có vẻ giản dị nhưng “không hề đơn giản.” Họ bị đánh đập dã man một cách vô cớ, theo ghi nhậnt của biên tập viên Gia Minh (RFA) nghe được vào hôm 10 tháng 12 năm 2013:
Nhóm các bloggers Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), An Đỗ Nguyễn (Nguyễn Hoàng Vi) và Con đường Việt Nam (Hoàng Văn Dũng) chiều nay tại Sài Gòn bị hành hung một cách vô cớBlogger Hoàng Vi bị đánh rất tàn bạo và Hoàng Dũng cũng bị đánh chảy máu.
Cùng với bạo lực, những kẻ “qùi gối, dâng trái tim và nước mắt” còn phải đối diện với sự xa lánh do sợ hãi của đồng bào – theo như kinh nghiệm (“Tôi Đi Tiếp Thị Sản Phẩm Quyền Con Người”) của blogger Phạm Văn Hải:
Có 3 mẩu chuyện nhỏ tôi muốn chia sẻ trong buổi phát tài liệu này. Nguyên tắc của chúng tôi là không ép buộc, không để tài liệu bị vứt bỏ thành rác thải như các loại tờ rơi ở ngã tư, cột điện... Thăm dò và nói vắn tắt nội dung tài liệu, nếu người nhận không cần thì sẽ không phát.
* Câu chuyện thứ nhất: Có một nhà sư lên xe. Ban đầu tôi nghĩ đã xuất gia thì chắc không cần đến tài liệu này. Nhưng nghĩ lại, Nhân quyền là phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, tôn giáo... mà. Và cũng nảy ra một ý, dạo này nghe nói sư dỏm nhiều quá, trong tài liệu có phần nói về việc chống tra tấn hành hạ ngược đãi... rất gần với tâm thiện của nhà Phật. Mình chịu khó quan sát thái độ của vị này khi xem tài liệu có thể đoán được thật, giả chăng? Sau khi hỏi thăm xã giao thầy hiện đang tu ở chùa nào, đi công việc ở đâu... mình nói thưa thầy đây là tài liệu viết về Quyền Con Người, trang sau còn có Công ước chống tra tấn... nếu thầy muốn tham khảo thì giữ để xem, nếu không cần thì đọc xong cứ gửi trả lại ạ(phòng khi ông ta không muốn cầm mà ngại nên thấy khó xử). Rất vui là nhà sư đã xem và không gửi lại. A-Di-Đà-Phật!
* Câu chuyện thứ hai: Tôi và Võ Trường Thiện đến một quán nước. Vừa chào hỏi, tự giới thiệu và mới nói đây là tài liệu... thì hai người ngồi bàn ngoài cùng xua tay:
- Thôi, thôi có biết chữ đâu mà đọc...
Họ “không dám” chứ không phải là “không biết.”  Hơn hai phần ba thế kỷ qua, người dân Việt đã “nhập tâm” rằng quyền làm người là một thứ taboo, hay một mặt hàng quốc cấm, ở đất nước này. Tuy thế, khi trả lời phỏng vấn báo Lao Động, phát hành hôm ngày 24 tháng 12, đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên – ông Lê Quảng Ba – vẫn cứ băn khoăn: “Bao giờ ta có thể làm được như được họ?”
Với khuynh hướng xử dụng bạo lực và khủng bố, cùng với chính sách ngu dân, hiện nay của chế độ hiện hành – có lẽ – cái ngày mà Việt Nam “đuổi kịp” Bắc Hàn (chắc) cũng không còn xa nữa.

NGUYỄN NGỌC TƯ * GIỠN CHƠI


 Giỡn Chơi
Font Size: Nguyễn Ngọc Tư


    Hồi tháng Tám, Văn có tham gia một đoàn thực tế sáng tác về đầm Đìa. Chuyến đi rất hào hứng, vì chỉ nghe cái tên đất thôi đã ấn tượng, nghe buồn, ướt làm sao đâu. Đêm đó, cả đoàn rủ nhau ra đầm, ngủ nhờ trên mấy cái chòi giữ lú cho có… cảm xúc.
    Trời lồng lộng. Người ta thắp bao nhiêu là đèn, họ treo đầu lú, ở cửa chòi. Đầm nước rực lên như một thành phố nhỏ, lấp loáng, mộng mị… Cùng với hai nhà thơ cấp huyện khác, Văn sẽ qua đêm trong một căn chòi nằm gần bờ lá. Phi - anh chàng chủ chòi, người đang giữ mấy chục cái lú – đen như củ khoai lùi, tánh tình mủ mỉ. Ai hỏi gì nói nấy, mà hay cười, cho nên nhiều lúc cười nhiều hơn nói. Sự hiện diện của bọn Văn làm anh ta hơi bối rối, nên hì hụi dọn dẹp lau chùi. Chắc là cuộc sống ở đây quá bình lặng, ủ ê, nên chỉ cần một vài người sôi nổi, hiện đại như Văn, anh ta cảm thấy ngộp thở.
    Ngắm trời nước chán, bọn Văn quay qua chọc ghẹo Phi. Bình thường Văn là đứa hay đùa, cô nói chuyện nhớ thương dễ như người ta lặt rau. Nhiều khi chính Văn cũng thắc mắc, không yêu mà cái miệng nói yêu leo lẻo, gặp chuyện thì câm lặng, bằng chứng là Văn đang khổ sở yêu thầm yêu lén anh chàng phó phòng mới chuyển về. 



  

  Ngay lúc ấy, Văn đã nghĩ, giá mà có thể bày tỏ lòng mình với người ấy dễ ợt như đang trêu chọc anh chàng tên Phi này. Ban đầu thì Văn chẳng nói gì, chỉ nhìn anh ta chăm chăm, ra bộ đắm đuối tha thiết. Rồi giả vờ bâng quơ:
    - Mai về, chắc nhớ Đầm dữ lắm. Mà không, nhớ anh Phi nhiều hơn.
    Văn nói cô thích Phi từ cái nhìn đầu tiên, người gì mà dễ thương quá trời đất. Văn nói ước gì có thể ở bên Phi trong căn chòi lộng gió hết đêm này, hết đêm mai, và ngàn vạn đêm tới nữa. Phi đờ người ra, mới đầu mặt tái xanh rồi lại chuyển sang đỏ tía. Miệng Văn đã thừa ngọt ngào, lại thêm hai nhà thơ cấp huyện tung hứng, nói ra nói vào, như thể Văn đã yêu Phi thật.
    Anh chàng Phi càng khốn khổ, Văn càng mắc cười, càng táo tợn. Nhưng cuộc tình hoang đường ấy chẳng đi về đâu khi Văn lấy tay rờ cái lò cà ràng, thở dài (cho có vẻ chua xót vậy mà):
    - Nhưng hai đứa mình ở cách xa nhau quá. Em không thể bỏ công việc đang làm. Phải anh Phi cũng ở thành phố thì vui biết chừng nào…
    Phi hơi ngẩn ngơ ra, rồi cúi đầu, lặng lẽ… Văn bắt gặp ở anh chàng cái cảm giác bồn chồn, hụt hẫng, xót xa ra mặt. Không khí lắng lại, Văn thòng chân xuống sàn nhà, đong đưa, ngó ra đêm sâu mênh mông, tấm tắc:
    - Cảnh ở đây đẹp dễ sợ thiệt.
    Phi cười, bằng mũi:
    - Đẹp gì đâu, chán lắm, buồn. Mà nghèo.
    Văn táo tợn nắm bàn tay thô ráp đen đúa của Phi. Anh chàng hơi dần dừ, nhưng vẫn để yên trong tay Văn, nóng bỏng. 





    Một hồi có đứa con gái bơi xuồng lại. Chưa thấy người, đã nghe giọng cô nhỏ giòn tan lẫn trong tiếng dầm quẫy nước:
    - Có ai ăn khoai luộc hôn ta...
    Thấy có người lạ, cô nhỏ hơi khựng lại, buột miệng “Ủa…”, mắt chăm chăm vô hai bàn tay vẫn còn nắm lấy nhau. Anh chàng Phi vội rụt phắt lại, giọng nửa sượng sùng, nửa càu nhàu:
    - Khuya lơ khuya lắc bơi xuồng đi đâu vậy...
    Đứa con gái có vẻ quạu quọ:
    - Sợ anh đói bụng, nên đem mấy củ khoai qua. Có ba củ nè, phải biết có khách tui lấy nhiều một chút…
    Chắc còn ức cái câu Phi nói hồi nãy, con nhỏ độp lại:
    - Chứ khuya lơ khuya lắc anh thức làm chi...
    Rồi con nhỏ quày quả bơi đi, sau khi dằn dỗi để lại mấy củ khoai còn ấm sực. Văn ngó Phi, ngại ngần:
    - Người ta giận rồi kìa, tại em hả...
    Phi nói ngay:
    - Không, không phải… Nhỏ em ở xóm, nó kỳ cục lắm… 




   

 Nghe cái giọng như phân bua, thanh minh của Phi, Văn buồn cười quá, cô ta là ai thì mắc mớ gì đến tôi.
    Rồi chuyện ở Đầm Đìa đã qua mau như một giấc mơ. Lâu lâu, gặp lại hai nhà thơ huyện, cũng có nhắc chuyến đi đó, có nhắc Phi, nhắc hôm ấy, khi về, Phi đã đau đáu trông theo cho đến khi chiếc võ lãi mất hút trong làn sương mỏng. Nhưng Văn chỉ ờ ờ, thật ra, gương mặt anh chàng ra làm sao Văn còn không nhớ.
    Một bữa, dừng xe chỗ đèn đỏ, bỗng có đứa con gái đi bộ nhìn Văn lom lom. Văn cảm giác gặp nó ở đâu rồi, cuối cùng nghe nhắc vụ ba củ khoai, Văn à ra. Lại gặp ánh mắt giận dỗi của con nhỏ, như đêm hôm đó:
    - Anh Phi ảnh bỏ Đầm Đìa rồi, ảnh đang ở đây, làm phụ hồ, tội nghiệp lắm.
    Văn thờ ơ nói vậy hả, ờ ờ… Con nhỏ lại nói mặc cho đèn xanh đã bật mấy lần
    - Ảnh đi là vì chị A3
    Văn hơi ngơ ngác, ngỡ ngàng. Sau đấy là thảng thốt dù đứa con gái nọ đã mất hút giữa dòng người. Đi sau khi để lại một câu:
    - Chị đẹp nhưng không thương anh Phi bằng em đâu. Chị thấy em cũng ở đây, thì biết…
    Ai thương ai thì mắc mớ gì mình, Văn tự nhủ. Văn chạy xe trong cảm giác bồng bềnh. Cái ý nghĩ vì trò đùa của mình mà thay đổi cuộc sống (và cả số phận) của hai con người ấy làm Văn thấy chao chát, thắt lòng…

No comments: