Wednesday, November 2, 2016

HUY PHƯƠNG =NGUYÊN THẠCH=BÙI VĂN PHÚ =NGUYỄN HỮU VINH *

HUY PHƯƠNG * MỘT LINH MỤC

Câu chuyện một linh mục huyphuong122313
Trò Nguyễn Hữu Lễ & Thầy Cũ Nguyễn Đức Hạnh 11-2013 (hình Huy Phương)
Huy Phương


Trước khi trở thành linh mục,
tôi là một người Việt Nam!”
(L.M. Nguyễn Hữu Lễ)


Thú thật với quý vị, từ khi khôn lớn tôi không có cơ hội hay có ý muốn quen biết một ông Sư hay một ông Cha nào, trong lòng cũng chẳng mấy làm thích được gần gũi với Quý Ngài, và luôn luôn muốn giữ một khoảng cách, nếu có “kính” đi nữa thì cũng “nhi viễn chi”. Mặc dầu đạo Phật cho rằng “Trọng Phật Kỉnh Tăng”, Thiên Chúa Giáo thì Linh Mục là “Linh Hướng”, là “Chủ Chăn”, nhưng chúng tôi vẫn thường trông thấy cái khoảng cách giữa Linh Mục đối với Con Chiên, Hòa Thượng đối với Phật Tử khá xa, mỗi khi thường ngày, thấy tín đồ khúm núm kính cẩn quá đáng đối với những vị Linh Mục, Mục Sư hay Hòa Thượng, Thượng Tọa.


Vậy mà lần đầu gặp Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cách đây hơn mười năm, tôi có cảm tưởng như gặp gỡ một người bạn cũ, một người lính cùng đơn vị hơn là một ông Cha đứng trên tòa giảng. Thẳng thắn, bộc trực và cởi mở ngay từ cái bắt tay chặt chẽ đầu tiên, nhất là khi biết ông đã mang thân phận một người tù tập trung dưới chế độ Cộng sản 13 năm, không vì chức vụ của ông là Tuyên Úy trong quân đội mà vì “tội chống chế độ”, làm sao không thấy cảm tình và quý mến ông được.

Lễ phép, tôi kính trọng gọi ông bằng danh từ “Linh Mục”, cố tránh né cái tiếng “Cha”, mà tôi vẫn muốn dành riêng cho bố đẻ của tôi. Nhưng quả là ngạc nhiên và ngỡ ngàng hơn nữa, chuyện mà tôi chưa bao giờ thấy xẩy ra cho một ông Cha, ông Sư nào, khi nghe ông bằng lòng nhận tiếng gọi “Cậu Bảy” khá thân mật từ bạn bè của tôi, những cựu tù nhân của chế độ Cộng Sản từ Việt Bắc trở về, trong khi anh em cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long ngày xưa học trên ông vài lớp, còn hạ vai vế ông xuống, bằng cách kêu ông là “Chú Út!”. Điều đó có sai với giáo điều tổ chức của các tôn giáo lớn không? Tôi nghĩ là không, vì đây là không gian ngoài vị trí của nhà thờ, và những người quen biết, bạn bè ông không hề ràng buộc bởi bất cứ điều gì hay danh xưng nào của tôn giáo.

Cũng cho đến nay chưa ai gọi ông Nguyễn Hữu Lễ bằng hai tiếng “nhà văn”, nhưng cuốn hồi ký “Tôi Phải Sống” của ông, trong vòng hai năm 2003-2004 , với tình trạng số người đọc hạn chế ở hải ngoại, với 17,000 cuốn đã bán sạch, ông đã có khả năng vượt qua số lượng sách bán được của những nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam, kể cả các tác phẩm trong nước, mà nơi đó, dân số gấp 40 lần ở hải ngoại.

“Tôi Phải Sống” là một cuốn hồi ký về trại tù Thanh Cẩm, nơi mà LM. Nguyễn Hữu Lễ, đã trải qua nhiều năm đọa đày, nạn nhân sống sót sau những trận đòn điên cuồng, khát máu của Bùi Đình Thi, một cựu sĩ quan, làm “thi đua” cho trại tù đã lạm dụng quyền hành để tra tấn và đánh chết cựu Dân Biểu Đặng Văn Tiếp và bỏ đói đến chết ông Lâm Thành Văn. Câu chuyện đã đưa đến kết quả là Bùi Đình Thi bị cơ quan tòa án di trú San Pedro, California, vào tháng 4-2004, công bố lệnh trục xuất về Việt Nam. Trong khi chờ đợi thỏa hiệp nhận và trao giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Thi đã được giam giữ tại Quần Đảo Marshall (Republic of Marshall Islands) và đã qua đời tại đây khoảng hai năm sau đó.


Bản án của Bùi Đình Thi đem đến hai nguồn dư luận trái ngược, một bên cho Thi xứng đáng để lãnh bản án trục xuất, một bên chê trách LM. Nguyễn Hữu Lễ đã không đủ bác ái để tha thứ cho Thi. Tuy nhiên, bác ái cũng cần có công bằng, và LM. Nguyễn Hữu Lễ không phải là nguyên đơn để đưa Bùi Đình Thi ra tòa mà người đứng kiện là Boat People SOS. LM. Nguyễn Hữu Lễ có thể tha thứ cho Bùi Đình Thi là chuyện giữa hai con người, nhưng còn gia đình những người đã bị bách hại, những người đã chết như Đặng Văn Tiếp, Lâm Thành Văn và những người còn sống như Trịnh Tiếu, Nguyễn Sĩ Thuyên, còn lại là lẽ công bằng cũng như pháp luật của nước Mỹ.

Trong tận cùng của nỗi đau đớn tuyệt vọng, trên bệ đá của trại kiên giam, trong khi hai cổ tay còn bị cùm, người tù khốn khổ Nguyễn Hữu Lễ đã phẫn nộ hét lên: “Tôi Phải Sống!” Câu nói này đã được đem dùng làm nhan đề cuốn sách thuộc loại best-seller của ông.


Sự sống phải mang nhiệm vụ của nó, chắc chắn khó khăn hơn cái chết. Người sống mang nghĩa vụ của những người chết đã giao phó, vì sống không có nghĩa là chết mòn.

LM. Nguyễn Hữu Lễ đã sống còn và trôi giạt đến Tân Tây Lan năm 1990. Chỉ hai năm sau, LM. Nguyễn Hữu Lễ đã tham gia sinh hoạt với Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ, Hội Đồng Việt Nam Tự Do. Năm 1994, ông thành lập Ủy Ban Nhân quyền và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, ông đã đi thuyết trình tại các cộng đồng người Việt ở 9 quốc gia Âu Châu, 15 tiểu bang tại Hoa Kỳ và tại Canada, Úc, Thái Lan.

Năm 2006, LM. Nguyễn Hữu Lễ thành lập “Phong Trào Đòi Trả Tên Saigon”. Năm 2008, Phong trào này phát hành DVD tài liệu “Sự Thật về Hồ Chí Minh”. Năm 2010, ông kết hợp với Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, Tập Họp Đồng Tâm Úc Châu thành lập Lực Lượng Dân Tộc Cứu Quốc (gọi tắt là Lực Lượng Cứu Quốc).

Năm 2011, Lực Lượng này tổ chức Đài Phát Thanh “Đáp Lời Sông Núi” phát thanh về Việt Nam mà LM. Nguyễn Hữu Lễ là Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn & Yểm Trợ. Khai sinh ra chương trình “Đáp Lời Sông Núi” là dễ nhưng duy trì để tiếng nói này sống còn là một điều khó, ông Nguyễn Hữu Lễ nay như người mẹ chạy ăn cho con từng bữa.

LM. Nguyễn Hữu Lễ là linh mục người Việt duy nhất tại New Zealand từ trước đến nay, và từ năm 2007, ông không còn giữ chức vụ nào tại các giáo xứ của nước này, và hiện chỉ còn giữ chức Tuyên ÚY Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại đây. Thời gian ông đi, ở và hoạt động ở nước ngoài, những nơi có cộng đồng người Việt tỵ nạn có lẽ cũng tương đương với thời gian ông làm việc ở Tân Tây Lan.


LM. Nguyễn Hữu Lễ đã đi nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ các cộng đồng người Việt tỵ nạn, đem ngọn lửa đấu tranh, chuyển đến cho mọi người để nhắm đến mục đích đòi hỏi tự do nhân quyền cho Việt Nam. Cũng vì vậy, ông không tránh khỏi sự lăng mạ, chỉ trích của một số người không đồng ý với ông khi ông đi làm chính trị trong lúc mặc áo giòng, nhất là sau khi DVD tài liệu “Sự Thật về Hồ Chí Minh” phát hành và qua internet được chuyển về trong nước. Để trả lời dứt khoát, câu nói xác định của LM. Nguyễn Hữu Lễ đã được nhắc lại nhiều lần là: “Trước khi trở thành linh mục, tôi là một người Việt Nam!”

Nói đến chuyện chia rẽ tôn giáo tại hải ngoại vào mỗi cuối năm, LM. Nguyễn Hữu Lễ đã cho rằng: “Những ai dùng tôn giáo để chia rẽ dân tộc, đều có tội với tổ quốc!”


Trên đường hoạt động, mỗi lần ghé qua Little Saigon, “Cha” Nguyễn Hữu Lễ thường ghé thăm các giáo dân ngày trước ở Vĩnh Long của ông, trong đó có ông Nguyễn Nhi, xã trưởng, trước khi đến Mỹ theo diện H.O. đã bị đi tù 7 năm. “Cậu Bảy” thì không quên các bạn tù Thanh Cẩm, trong đó có cựu Đại Úy Thiết Giáp Lê Sơn, sau này đã kết thông gia với gia đình họ Nguyễn của ông. “Chú Út”, cậu học sinh trung học Nguyễn Trường Tộ năm xưa, thì lúc ghé về đây không quên các bạn học cũ hơn 50 năm về trước, và ông Thầy duy nhất trên đất Mỹ còn lại là thầy Nguyễn Đức Hạnh, nguyên giáo sư Anh Ngữ nay đã 84 tuổi.


Ông Nguyễn Hữu Lễ quả là một linh mục bình thường, nhưng là một người Việt Nam tỵ nạn xuất sắc. Ông gần gũi và đi bên cạnh những con người bị bứt rễ khỏi quê hương, còn thiết tha với đất nước hôm nay. Câu nói của ông, tôi còn nhớ, ngày ông tái bản cuốn hồi ký “Tôi Phải Sống” để lấy tiền trang trải cho việc điều hành tiếng nói “Đáp Lời Sông Núi”: – “Nếu không nói chuyện đất nước thì còn chuyện gì để nói? Không lẽ đem chuyện ăn ngon mặc đẹp, con cái thành công và những chuyến du hí ra để nói với nhau!”


Hình ảnh và những lời nói của ông làm cho chúng tôi nhớ đến LM. Nguyễn Văn Lý đang bị cầm tù ở Việt Nam và LM. Nguyễn Văn Nghị ra pháp trường cát sau vụ án Nhà Thờ Vinh Sơn năm 1975. Phải chăng họ cũng như “Cậu Bảy”: – Trước khi trở thành linh mục, họ là một người Việt Nam!

Huy Phương

f

NGUYÊN THẠCH * XUÂN VỀ HAY CHƯA

Xuân về hay chưa?

Nguyên Thạch (Danlambao) - Mỗi lần nhìn những cánh thiệp No-en lấp lánh sao trời tuyệt dịu, cùng những ngọn nến ấm nồng qua những cánh thư hoặc trên trang báo, những hình ảnh như báo hiệu sự hiện hữu của thời gian cho những tâm tư luôn bâng khuâng trăn trở về Quê Hương và những nỗi đau của nó thì cảm nhận của tôi lại hiện lên rõ nét băn khoăn, nhủ thầm... lại một năm qua!


Có một bài ca trước 75, mang tên "Đồn Vắng Chiều Xuân" của cố Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh
Đầu xuân năm đó anh ra đi
Mùa xuân này đến anh chưa về... 
Đồn anh đóng ven rừng mai 
Nếu mai không nở, thì anh đâu biết xuân về hay chưa? 
Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy 
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi... 
Thật vậy, đất nước đã và đang chìm ngập trong nỗi đau triền miên dường như bất tận, thì thời gian là những chuỗi ngao ngán đọa đày mà lắm khi người ta cố quên nó đi để mong vơi bớt phần nào của sự nhức nhối về cả thể xác lẫn tâm hồn.

Năm gần hết, Tết gần đến, những cánh thiệp đón xuân, với tôi, nó đánh dấu và nhắc nhở chúng ta: Một năm qua, chúng ta đã làm gì? Một năm tới, chúng ta sẽ làm gì cho đất nước và dân tộc đang bên bờ vực thẳm?. Mong tất cả nên tự đặt cho mình một hoặc nhiều dấu hỏi và tự trả lời một cách thỏa đáng.
Mỗi người có mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện để sinh hoạt trong cuộc sống nhưng cho dẫu trong điều kiện nào, hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải chịu chung một số phận dưới một cơ chế toàn trị. Nếu ví rằng chúng ta là những cánh chim thì theo lẽ tự nhiên, những cánh chim ấy phải được tự do bay trong bầu trời mở rộng.

 Nhưng trên thực tế, tiếc thay, chúng ta chỉ là những con chim hoàn toàn bị giới hạn trong phạm vi một cái lồng. Vâng, cũng được bay, nếu ai đó bằng lòng với những chấp cánh ngắn ngủi, hạn hữu. Vâng, cũng được hót, nhưng những tiếng tiếng hót không vượt khỏi khung cửa chắn mà người nghe là những chủ nhân ông. Ôi những con chim trong lồng thảm thương, rồi một ngày nào đó sẽ rũ cánh chết đi trước khi thấy lại được bầu trời thênh thang quang đãng.
Bởi không chấp nhận là những cánh chim tù ngục, không chấp nhận là những người hèn yếu, những năm gần đây, đất nước đã rộ lên vô số những tâm hồn trân quí, nhiều ứng xử hào hùng theo chiều hướng Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Những tinh hoa ấy, tôi xin mạn phép được liệt kê tiêu biểu: Trần Văn Bá, Nguyễn Văn Lý, Vi Đức Hồi, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phan Văn Lợi, Đỗ Nam Hải, Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh, Mai Thị Dung, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, Phạm Thanh Nghiên, Trần Anh Kim, Đinh Đăng Định, Trương Quốc Huy, Đặng Chí Hùng... và nhiều nhiều hơn nữa. Họ là những nhân tố đấu tranh và sẵn sàng hy sinh cho nền Độc Lập, sự Tự Do và Công Lý cho toàn dân tộc.
Với hành động sáng suốt và hy sinh cao cả đó, thế hệ chúng tôi luôn mong muốn được tiếp tục phát huy và đóng góp tích cực hơn nữa hầu sớm được thấy Quê Hương và Dân Tộc đi lên theo trào lưu văn minh của thế giới.

Ngày hết, Tết đến, nhân tiện cá nhân xin chân thành cảm ơn Dân Làm Báo cũng như các trang mạng "Lề Dân" đã ưu ái trích đăng những đóng góp rất bé nhỏ của tôi trong thời gian qua.
Trong chiều hướng đấu tranh cho quyền làm người của các trào lưu tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới, cái mà độc tài toàn trị rất lo sợ. Hy vọng rằng những cánh én Việt Nam sẽ hợp quần thành vô số đàn én rợp trời và mùa xuân của đất nước chóng thành hiện thực. Mùa xuân của Tự Do và Nhân Bản, mùa xuân của tình thương cũng như quyết chí xua tan bóng đen của bầy quạ đỏ đã bao năm dìm sâu cả dân tộc vào cõi đọa đày.
2014, chúc tất cả an khang thịnh vượng và thành công.

BÙI VĂN PHÚ * TUỔI HƯU

Tuổi hưu và phúc lợi ở Mỹ

CỠ CHỮ
Sau hơn ba thập niên sinh sống và làm việc ở Mỹ, thỉnh thoảng anh em, bạn bè gặp nhau chúng tôi cũng bàn đến chuyện tương lai về hưu sẽ sống ra sao hay sống ở đâu.

Như ở mọi nơi trên thế giới, sau thời gian làm việc đóng góp cho xã hội, người dân Mỹ đến tuổi già cũng phải nghỉ hưu. Nhìn lại quá khứ rồi hướng về tương lai thì thấy nếu một người ra đời làm việc năm 25 tuổi, là khi mới tốt nghiệp đại học, đến 65 tuổi thì đã có 40 năm làm việc, khi đó là tuổi được hưởng trọn số lương hưu là tiền của chính mình và chủ đã đóng vào quỹ an sinh xã hội trong thời gian lao động.

Thực ra một người lao động Mỹ khi vừa bước vào tuổi 50 đã nhận được thư mời tham gia hội AARP (American Association of Retired Persons) – Hiệp hội người Mỹ Hưu trí – dù thời gian phải tiếp tục làm việc vẫn còn ít nhất 15 năm trước khi chính thức nghỉ hưu.

Thành lập từ năm 1958, AARP hiện có gần 40 triệu hội viên trên toàn quốc. Hội viên đóng lệ phí 16 đô là một năm và sẽ thường xuyên nhận được tạp chí với nhiều thông tin liên quan đến chính sách và sức khoẻ của lớp người ở tuổi 50 hay cao hơn. Hội cũng vận động hành lang cho quyền lợi của người đã nghỉ hưu hay sắp sửa. Là hội viên, khi thuê xe, đặt phòng khách sạn, mua các loại bảo hiểm còn được giảm giá ít nhiều.

Rất ít người Mỹ về hưu ở tuổi 50 và ngay cả tuổi 55 hay 60 cũng còn ít. Trừ người thật giầu hay những ai là công chức thành phố, tiểu bang, liên bang, là thành phần cảnh sát, cứu hỏa hay giáo chức với quỹ hưu bổng riêng và có thể nghỉ hưu sau 25, 30 năm trong những nghề đó.

Theo Sở Thống kê Dân số, tuổi hưu trung bình của người Mỹ là 62 và thời gian sống hưu là 18 năm.

Về tiền hưu trí, quỹ an sinh xã hội chỉ cho lãnh sớm nhất khi 62 tuổi. Một người về hưu ở tuổi đó thì còn phải tự lo bảo hiểm y tế trong ba năm nữa cho đến 65 tuổi là lúc được đăng ký vào chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ dành cho người cao tuổi, tức Medicare. Vì vậy, dù 62 tuổi nhưng nhiều người vẫn còn đi làm để có bảo hiểm sức khoẻ từ nơi làm việc, nếu không phải tự bỏ tiền ra mua thì một tháng có thể phải chi cả nghìn đô cho một người, mà nếu chỉ có lương hưu duy nhất là tiền an sinh xã hội thì sẽ không đủ chi tiêu.

Ngân sách quỹ an sinh xã hội và y tế của liên bang là do chính tiền của người lao động đóng vào và do chính phủ quản lí. Hiện nay thuế Medicare ở mức 2.9% số lương, cá nhân đóng một nửa, chủ đóng một nửa. Cũng như thuế cho quỹ an sinh xã hội là 12.4% và người đi làm đóng một nửa, tức 6.2%, chủ chịu một nửa.

Thuế an sinh xã hội có giới hạn, chỉ đóng đến mức lương 113,700 đô cho năm 2013, tăng lên mức 117 nghìn cho năm 2014 và tiếp tục tăng đến 165,600 vào năm 2022. Số lương cao hơn những mức nêu trên không phải chịu thuế này. Còn thuế y tế Medicare không có giới hạn mức lương.

Như thế chính phủ lúc nào cũng thu hai khoản tiền thuế, tổng cộng là 7.65% từ lương công nhân. Những ai làm chủ cơ sở thương mại hay làm việc riêng cho chính mình thì phải đóng gấp đôi, vừa là thợ vừa là chủ, tức 15.3% tổng số thu nhập. Không thể trốn vào đâu được. Các chủ nhân không làm kế toán rõ ràng cho các khoản thuế này sẽ bị phạt nặng.

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, ông bổ nhiệm một phụ nữ vào nội các, trước khi được Thượng viện phê chuẩn thì báo chí phanh phui sự việc bà này đã có mướn người giúp việc trong nhà nhưng không khai và không đóng thuế an sinh xã hội cho người làm, như thế là phạm luật khiến bà phải rút lui khỏi chức vụ được đề cử.

Ngân sách hiện tại của quỹ an sinh xã hội đang cạn dần vì thành phần trẻ vào đời làm việc ít đi, trong khi đó số người già càng nhiều và càng sống lâu, trung bình đến 81 tuổi cho phụ nữ và 76 cho nam giới. Trước đây cứ 4 người đi làm đóng thuế để trả cho một người nghỉ hưu, nay con số này xuống còn 2.5 và theo một ước tính của cơ quan nghiên cứu Quốc hội, đến năm 2033 quỹ chỉ còn đủ để trả 77% tiền hưu của người được hưởng.

Số tuổi để hưởng trọn vẹn phúc lợi tài chánh khi về hưu ngày càng tăng lên. Trước đây là 65 tuổi cho những ai sinh năm 1938 trở về trước. Luật mới qui định người sinh từ năm 1943 đến 1954 thì tuổi hưu là 66, từ 1955 đến 1959 mỗi năm tăng lên hai tháng tuổi hưu. Sinh sau năm 1960 thì đến 67 tuổi mới được hưởng lương hưu trọn vẹn. Nếu nghỉ hưu non vào năm 62 tuổi, tiền an sinh xã hội chỉ được khoảng 70% so với lương về hưu đúng tuổi. Cùng với việc tăng tuổi hưu, thuế an sinh xã hội và thuế y tế Medicare cũng tăng lên.

Theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), số người Mỹ ở tuổi từ 65 đến 69 vẫn còn làm việc là 20%, so với Anh 10%, Đan Mạch 9%, Na Uy và Thụy Sĩ 7% trong khi Đức, Hà Lan 3% còn Pháp, Ý chỉ có 1%.

Hiện nay phúc lợi an sinh xã hội trung bình cho một người Mỹ nghỉ hưu là 1230 đô la một tháng. Dù không còn nợ nhà, nhưng số tiền này cũng khó đủ cho một người sống riêng biệt vì các khoản chi tiêu bao gồm thực phẩm, điện nước, xăng dầu, bảo trì xe, thuế nhà đất. Vì thế chính phủ còn có phụ cấp SSI – Supplemental Security Income, người Việt thường gọi là tiền già hay tiền bệnh – phụ cấp tiền thuê nhà, giảm giá điện ga cho người nghèo.

Trong thực tế ngày nay, với tiền an sinh xã hội không thôi, nhiều người cao niên chỉ đủ sống. Vì thế trong lúc còn làm việc chính phủ khuyến khích tiết kiệm thêm bằng cách bỏ tiền vào các quỹ 401(k) hay IRA. Với quỹ 401(k) có khi chủ nhân cũng đóng góp thêm vào cho công nhân và có giới hạn vài trăm đô một tháng. Số tiền tiết kiệm sinh lời và sẽ không bị đánh thuế, nhưng không được rút ra cho đến năm 60 tuổi hay cao hơn để chi tiêu lúc về hưu.

Hiện nay, một cặp vợ chồng bắt đầu về hưu năm 2013 vào tuổi 65 hay cao hơn thì mỗi tháng một người lãnh khoảng 2500 đô tiền an sinh xã hội. Nếu nợ nhà đã trả hết, với 5 nghìn đô là dư tiêu trong một tháng cho hai người. Ốm đau, thuốc men có chính phủ lo.

Với số tiền đó thì có thể bàn đến việc nghỉ hưu ở một nước ngoài. Nhưng trở ngại duy nhất là Medicare vì dịch vụ y tế này chỉ cung cấp cho cư dân sống tại Mỹ. Sống ở nước khác, phải tự mua bảo hiểm y tế riêng ở nơi đó. Vì thế nhiều người Mỹ nếu quyết định nghỉ hưu ở nước ngoài họ thường chọn nơi có mức sống rẻ, hệ thống y tế tốt hay những nơi gần Hoa Kỳ, như nam Mỹ và các đảo quốc trong vùng biển Caribbean, phòng có gì khẩn cấp cũng chỉ vài giờ bay là đã về lại Mỹ để được chăm sóc y tế.

Một khảo sát mới đây của InternationalLiving.com xếp hạng mười nơi tốt cho người Mỹ và Canada nghỉ hưu là Ecuador, Panama, Malaysia, Mexico, Costa Rica, Uruguay, Colombia, Spain, Thailand và Malta.

Nhiều người Mỹ gốc Việt làm việc đã gần 40 năm, nay nghỉ hưu cũng có khả năng tài chính để ra nước ngoài sống, nhưng về Việt Nam có thể khó vì xa xôi và nhất là điều kiện y tế chưa tốt cho tuổi già.

Với một số người Việt cao tuổi ở Mỹ chuyện về Việt Nam sống còn là điều không thể vì đang nhận phúc lợi xã hội và y tế qua chương trình phụ cấp của chính phủ dành cho người già. Khi nhận phụ cấp thì chỉ có thể ra nước ngoài chơi ít tuần, còn nếu ở lâu các khoản trợ cấp sẽ bị cắt.

Bạn bè chúng tôi trong lứa tuổi sấp xỉ 60 cũng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện hưu và cũng có đề nghị nếu vào nhà tập thể cho người cao tuổi thì cũng tìm nơi sống chung để chiều chiều lai rai nhậu, đàn hát bên nhau cho vui những lúc cuối đời.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

Bùi Văn Phú

Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. 
 

NGUYỄN HỮU VINH * THẾ ĐẢNG

Thế Đảng, nhìn qua những đám tang

J.B. Nguyễn Hữu Vinh, viết từ Hà Nội
2013-12-09
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Có những nhân vật lịch sử gắn liền với một giai đoạn lịch sử. Họ hoặc là những người góp phần làm nên, hoặc là nạn nhân, hoặc nhiều khi là người chứng kiến giai đoạn lịch sử đó. Có những con người, vừa kết hợp cả ba vai trò nói trên.
Sẽ là oai hùng, vinh hoa cho những người làm nên và hưởng thành quả và cũng sẽ là đau đớn cho các nạn nhân của từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, giai đoạn lịch sử Việt Nam thời Cộng sản, lịch sử sẽ ghi lại nhiều câu chuyện hiếm có. Ở đó có nhiều nhân vật, nhiều con người đã từng là những trụ cột làm nên triều đại Cộng sản, rồi chính họ trở thành nạn nhân của chế độ đó cho đến khi lìa đời.
Thậm chí, thông thường, lẽ đời thì chết là hết, song với chế độ Cộng sản, chết chưa phải là kết thúc. Tôi đã được đọc, nghe nói nhiều về những nhân vật như vậy, song gặp gỡ chưa được bao nhiêu.
Thật may mắn cho thời đại ngày nay, khi internet đã lan tràn mọi ngõ ngách, xóm làng thì các thông tin dù bưng bít kỹ đến đâu cũng không thể tuyệt đối. Và do đó, tôi có dịp hiểu nhiều hơn về những số phận, những con người trong chế độ này. Có thể không phải khi họ đang sống, mà khi họ đã lìa đời.\
Từ tiếng vỗ tay trong đám tang cụ Trần Độ 
TranDo-200.jpg
Hơn 11 năm trước, khi Internet chưa phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam như hôm nay, tôi đọc được bài viết về một đám tang lạ, đám tang Trung Tướng Trần Độ vào ngày 14-8-2002.
Ở đám tang đó có nhiều điều lạ. Đó là đám tang không được có chữ “Vô cùng thương tiếc”, không có chữ “Trung Tướng” là quân hàm ông Trần Độ đã được phong tặng sau khi góp công sức, xương máu cho Đảng bao nhiêu năm, không được tự do đến viếng, chia buồn hay đưa tiễn. Ở đó, có bản cáo trạng đọc trong lễ truy điệu kể lể những “tội” của người đã chết… Hẳn nhiên, đám tang đó vẫn được tiến hành trong sự quan sát, kiềm tỏa của lực lượng an ninh, công an. Nhưng, chi tiết cả đám tang đông đúc đồng loạt vỗ tay, khi người nhà cụ Trần Độ đã khảng khái khước từ bản “điếu văn kể tội” trước vong linh người đã mất do Vũ Mão thực hiện đã có tiếng vang rất xa và tiếng vọng rất lớn.
Và cụ Trần Độ cũng đã về với đất mẹ 11 năm qua, thời gian càng qua đi, thì những nội dung câu chuyện trên càng được chứng minh là hiện thực. Cụ đã về với đất mẹ, nhưng dư âm đám tang của cụ thì còn mãi với dân tộc Việt Nam như một điển hình của một thời khắc lịch sử đau thương của đất nước: Thời đại Cộng sản.
Ở thời đại đó, người ta không chỉ đểu với nhau khi sống, ác độc với nhau khi là đồng chí, hãm hại nhau khi là anh em mà ngay cả khi đã biến thành ma, đã về với cát bụi. Quả là mẫu hình của sự thù hận của con người được phát huy triệt để.
Tất cả tội ác, sự đểu cáng, sự táng tận lương tâm đó được giải thích là do “lệnh trên”, kể cả gần đây, Vũ Mão đã có thư phân trần về bản điếu văn là do “lệnh trên” chứ ông ta không muốn thế, ông ta đã đề nghị thay đổi nhưng “lệnh trên” là để nguyên.
Lệnh trên là cái gì? Là những tội ác được ngang nhiên thực hiện, bất chấp các nguyên tắc pháp luật, lương tâm, đạo đức làm người… trong những thời điểm nhất định.
Trên là ai? Thì đã bao năm nay, kể từ những cuộc thanh trừng trắng trợn trong Cải Cách ruộng đất, rồi Nhân văn giai phẩm, Cải tạo tư sản, cải tạo tù binh Việt Nam Cộng hòa, các sai lầm nặng nề về kinh tế, ngoại giao và nội trị đầy những sai lầm, tội ác, tham nhũng, phá hoại… Nhưng chẳng ai dám chỉ mặt, vạch tên nó ra cho thiên hạ biết mặt mũi cái “Trên” nó là cái gì mà gớm ghiếc, bất nhân, bất nghĩa đến vậy.
Những chiếc camera và cảnh sát, an ninh ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính
Cụ Hoàng Minh Chính, một cựu quan chức công thần Cộng sản, đã từng là Chủ nhiệm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam. Chính cụ cũng là người tuyên bố phục hoạt Đảng Dân Chủ Việt Nam thế kỷ 21. Mùa rét mướt năm 2008 đã ra đi sau một thời gian dài chịu khá nhiều sự khủng bố trắng trợn và cay đắng.
Tối 15/2/2008, chúng tôi đến nhà lạnh của Bệnh viện Thanh Nhàn vì có một cụ già người thân chết và được đưa vào đó. Khi vào đó, tôi nhận ra bức di ảnh cụ Hoàng Minh Chính trên bàn thờ. Chúng tôi thắp cho cụ nén hương lên đó để tiễn biệt một con người đã nghe đến nhiều nhưng chưa lần nào gặp mặt thì cụ đã ra đi, khi gặp nhau lại là nơi lạnh lẽo này.
Bước ra khỏi nhà xác, dù trời đã khá khuya, chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên mà một đội quân cứ lầm lũi bắc thang, rải dây và gắn các thiết bị lên nhà tang lễ Thanh Nhàn. Chúng tôi chú ý mới biết họ chuẩn bị cho đám tang ngày mai của ông Hoàng Minh Chính.
Ngày 16/2/2008, lễ tang cụ Hoàng Minh Chính được tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn sau khi có những cuộc giằng co giữa gia đình và nhà nước. Nhưng gia đình đã quyết định giành chủ động việc tự tổ chức lễ tang. Khi chúng tôi đến, đông đúc lực lượng công an, an ninh với đủ loại sắc phục… đã tề tựu đông đủ và có phần hùng hậu, lạnh lùng. Ngoài hệ thống camera bí mật mà tôi đã thấy tối qua, các Cameraman hùng hậu cầm máy quay chĩa vào mặt nhiều người hăm dọa, hùng hổ. Một vài nhân vật từ xa xôi đến dự lễ tang bị đã bị một vài người gây sự tạo nên vài việc lộn xộn nho nhỏ. Nhưng, nói chung không đến mức căng thẳng và có sự can thiệp tàn bạo như đám tang cụ Trần Độ mà tôi đã được nghe.
Đám tang cụ Hoàng Minh Chính chỉ cách đám tang cụ Trần Độ hơn 5 năm, nhưng có nhiều khác biệt. Trong đám tang, tôi nhận ra nhiều người tranh đấu cho dân chủ, nhiều trí thức, nhân sĩ và nhiều người kính trọng cụ đến tiễn biệt người đã khuất. Tuy nhiên họ đến, họ tiễn biệt cụ và ra về âm thầm.
Đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang
Ông Nguyễn Kiến Giang, tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, ra đi khi 73 tuổi. Cuộc đời ông là cuộc đời sớm tham gia mặt trận Việt Minh và khi 14 tuổi đã là đảng viên Cộng sản. Là một người theo đảng từ tấm bé, lớn lên nhiệt thành, thông minh và năng lực tràn đầy, để rồi ông trở thành nạn nhân của Đảng chính vì sự thông minh, can đảm của mình. Cuộc đời ông cũng như bao nạn nhân khác trong nhà nước Cộng sản, ông được “tặng” 6 năm tù không án và một số năm quản chế sau đó.
Cuộc đời bị cầm tù, bị quản chế về thể xác, bị ngược đãi trả cho công lao của ông, nhưng ông đã chứng tỏ ý chí của mình và được nhiều người kính phục. Ngày 2/12/2013, ông từ biệt thế giới này. Chúng tôi đến đám tang của ông vào chiều ngày 4/12/2013 tại nhà tang lễ Phùng Hưng.
Khi chúng tôi đến, nhà tang lễ Phùng Hưng đang chật cứng người trong ngoài đến viếng ông. Không chỉ các cơ quan nhà nước, mà các bạn bè, nhân sĩ, trí thức đều đến viếng ông với lòng kính cẩn và ngưỡng mộ. Không chỉ những người đang phấn đấu cho nước nhà có nền dân chủ thật sự, mà ngay cả cơ quan công an, những người đã trực tiếp và gián tiếp tạo nên những đau đớn của cuộc đời ông, cũng đến viếng ông.
Chứng kiến cảnh từng đoàn người đông đúc vào viếng một người đã từng có thời là “tên phản động của đảng” chúng ta mới thấy thực sự tầm vóc của ông ra sao.
Nếu như, trước đó không lâu, cả đất nước đã lên đồng trong một đám tang một thần tượng được bắt nguồn và là sản phẩm của truyền thông Cộng sản. Đám người trong cơn lên đồng đó do sự kích động của tuyên truyền, của truyền thông một chiều, thì đoàn người ở đây đến viếng ông với những nhịp đập của chính trái tim mình và bằng lý trí cảm phục nhân cách một con người đã từng là nạn nhân nhưng anh dũng, kiên cường vượt lên mọi gian lao, trở ngại để giữ vững khí tiết của mình.
Vị thế của đảng

A-nh045-250.jpg
Những chiếc camera và cảnh sát, an ninh ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính. Photo by Nguyenhuuvinh
Nếu như với cụ Trần Độ, thì ông Vũ Mão đương chức ở quốc hội làm Trưởng ban lễ tang, để rồi có bài “điếu văn kết án bất hủ”, thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, gia đình đã kiên quyết giành thế chủ động đế tổ chức. Và đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, thì chuyện gia đình tổ chức lễ tang, truy điệu hẳn nhiên là vậy không cần bàn cãi mà đảng không thể thò bàn tay vào điều khiển theo ý của mình.
Nếu như ở đám tang cụ Trần Độ, lực lượng công an, an ninh ngang nhiên chặn, xét, cắt, xé băng rôn, ngay cả chữ “Vô cùng thương tiếc” có sẵn trong tường nhà tang lễ cũng bị gỡ đi, trên các băng tang bị cắt đi để thể hiện đến mức cao nhất sự hèn hạ, bủn xỉn đến độc ác của đảng đối với đồng đội và ân nhân mình, thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, điều đó chỉ là vài vụ lộn xộn nho nhỏ và nhanh chóng được giải tỏa. Và đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, mọi sự diễn ra bình thường trong sự tiếc thương kính phục của bạn bè, anh em.
Nếu như ở đám tang cụ Trần Độ, những người đến viếng là những lão thành, những người từng có công với đảng, với chế độ nên có thể hiện diện mà khộng ngại va chạm, không sợ bị dòm ngó dọa dẫm… Thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, lực lượng anh em trẻ, những người đấu tranh cho nền dân chủ nước nhà đã có mặt, dù không rầm rộ. Rồi đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, đầy đủ mọi thành phần đến tiên đưa ông mà không hề e ngại những cặp mắt, cái nhìn dòm ngó, không có những chiếc camera gí vào mặt người khác dọa dẫm hung hăng.
Thậm chí, đoàn đại diện của Cục An ninh chính trị nội bộ A83 – Bộ Công an cũng đến viếng ông Nguyễn Kiến Giang. Khi nhìn thấy đoàn người này vào viếng, một vài người tỏ ý ngạc nhiên: “Lẽ nào, bây giờ lại có chuyện con sói thương tiếc cụ thỏ?” Một người giải thích: “Theo các nhà khoa học, con cá sấu sau khi ăn xong con mồi vẫn có nhu cầu thải các chất muối trong cơ thể nó vừa hấp thụ qua hai lỗ trên hốc mắt và người ta cứ tưởng là nước mắt của cá sấu”.
Những thay đổi đó, chắc hẳn không phải vì “đảng ta” đã thay đổi thái độ đối với các “nguyên đồng chí” của mình. Với bản chất bạo lực đấu tranhh giai cấp, điều đó vẫn chỉ là câu chuyện huyễn hoặc.
Thực tế thì vẫn chưa có thay đổi kể cả trong nhận thức của “Trên”. Song điều kiện ngày nay, khi mọi thông tin đều gần như không thể giấu kín, mọi hành động bạo tàn, nhẫn tâm và bất chấp đạo đức, luật pháp càng không thể dễ dàng giấu kín. Do vậy, những bàn tay hành động cũng phải rón rén hơn.


Vào thời điểm đám tang cụ Trần Độ, nhiều người vẫn còn nghi ngờ rằng: Có lẽ nào một người có công lao to lớn như thế với đảng mà đảng để đàn em đối xử tệ bạc đến vậy? Chắc chỉ là bọn phản động thù địch bịa ra mà thôi. Còn nếu không do thù địch gây ra, thì hẳn nhiên là ông Trần Độ đã gây ra tội trạng nặng nề và xứng đáng bị như vậy, việc công an vây đám tang gây sự là hiển nhiên. Bởi lúc bấy giờ vị thế của đảng trong lòng dân còn chút gì đó là sự hăm dọa, hãi hùng, là bí hiểm bởi những thông tin thực chưa hề đến với dân chúng, dư âm món bánh vẽ còn đâu đó trong cuộc sống hàng ngày.
Thế rồi, qua đám tang cụ Hoàng Minh Chính đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang hôm nay, sự chủ động của gia đình, anh em bạn bè cũng như những người khát khao sự công chính, sự tiến bộ cho đất nước, cho dân tộc đã có thể bước đàng hoàng, vượt qua sự sợ hãi vô lý.
Cũng trong quá trình 11 năm giữa hai đám tang, “đảng ta” từ một tổ chức tự nhận là “đạo đức, văn minh, lương tâm thời đại” chuyển thành nơi chứa “một bầy sâu”.
Cho đến hôm nay, thì ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải thừa nhận: “Tham nhũng đã thành đường dây có tổ chức”.
Như vậy, có thể nói, đã thành một quy luật: Khi đảng càng suy yếu, thế đảng càng xuống dốc, thì những hành động độc ác càng bị hạn chế và xã hội ngày càng dễ thở hơn.
Liên tiếp mấy hôm nay thông tin về việc các đảng viên công khai từ bỏ đảng Cộng sản đã làm nóng cộng đồng mạng xã hội.
Như vậy là vẫn có những con người dù đã là đảng viên, vẫn còn lòng tự trọng và sự tỉnh táo cần thiết.
Và, người ta có quyền mơ đến một ngày người dân giành lấy quyền làm người tối thiểu của mình đã bị cướp đoạt hơn nửa thế kỷ qua.
Hà Nội, ngày 7/12/2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

SONG CHI * HÔI BIA

Từ một vụ “hôi bia”…

cuop-bia-305.jpg
Hình ảnh người dân cướp bia khi chiếc xe tải chở bia bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa vào chiều ngày 4 tháng 12 năm 2013 làm 1.500 thùng bia Tiger bị đổ xuống đường.
Photo courtesy of Nguyễn Vĩnh Blog 
 
 
Khi những hình ảnh và thông tin về vụ chiếc xe tải chở bia bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa vào chiều ngày 4 tháng 12 làm 1.500 thùng bia Tiger bị đổ xuống đường, hàng trăm người lao vào hôi của, có người mang cả xe ba gác ra chở bia, mặc cho tài xế kêu khóc, van xin…được đưa lên mạng, lên báo, dư luận xã hội đã thực sự sốc.

Buồn khi là người Việt Nam

Mà làm sao không sốc, buồn, phẫn nộ, xấu hổ, kể cả nhục nhã cho được khi là người Việt Nam, phải chứng kiến đạo đức xã hội ngày càng xuống thấp đến thế, khi hiện tượng hôi của này không phải mới diễn ra lần đầu tiên cũng như hàng loạt những hành vi “xấu xí” khác của người Việt cứ “vô tư” phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật và “ngẫu nhiên” được báo chí ghi lại: Nào hàng ngàn người chen lấn nhau, chửi bới dọa nạt nhau để được thưởng thức sushi miễn phí tại một cửa hàng mới mở ở Hà Nội, chen lấn giành giựt để được một cái áo mưa miễn phí do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ cũng tại Hà Nội, tranh giành đổi mũ bảo hiểm mới tại Trung tâm Hội chợ triển lãm TP.Đà Nẵng…
Trở lại vụ “hôi bia”, những ngày sau đó hàng chục bài báo liên tục viết về vụ hôi của không khác nào một vụ cướp cạn giữa ban ngày này khiến cảm xúc của mọi người càng tăng. Người dân theo dõi câu chuyện, thương cảm cho người lái xe thuê có hoàn cảnh khốn khó sắp phải đền cho hãng bia một số tiền xấp xỉ 400 triệu, nếu không sẽ bị tù. Nhiều người đề nghị phải tìm ra những người hôi bia để xử lý và tỏ ý tán thành khi công an vào cuộc, điều tra…
Nhưng hóa ra câu chuyện lại không đến nỗi bi kịch đến thế. Đầu tiên là hành động treo băng rôn xấu hổ vì hành động “hôi bia” của một người dân với nội dung "Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã "cướp vài lon bia" ở đây trưa ngày 4.12" được lan truyền rộng rãi trên mạng, sau đó một vài tờ báo cũng đưa lên.
Theo báo Thanh Niên, “tác giả của nội dung băng rôn nói trên là một nữ sinh viên đang học năm thứ 2, ĐH FPT. Còn người giúp treo băng rôn là cha của cô” (“Tác giả tấm băng rôn 'xấu hổ' về hành động 'hôi bia' ở Đồng Nai là ai?”). Một bài báo trên Dân trí gọi đó là “tấm băng rôn của lòng tự trọng” (“Vụ hôi bia ở Đồng Nai: Tấm băng rôn của lòng tự trọng”).

cuop-bia-2-250.jpg
Hình ảnh người dân cướp bia khi chiếc xe tải chở bia bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa vào chiều ngày 4 tháng 12 năm 2013 làm 1.500 thùng bia Tiger bị đổ xuống đường. Photo courtesy of Nguyễn Vĩnh Blog.
 
 
Rồi chính người trong cuộc lên tiếng. Một người mẹ cũng theo đám đông hôi bia đã xấu hổ trước câu hỏi của đứa con gái nhỏ: “Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?”. Và khi vụ “hôi bia” bị các phương tiện truyền thông và dư luận lên án, bà mẹ đã phải khóc, tâm sự với báo chí: “Con gái tôi đã tận mắt nhìn thấy hình ảnh mẹ nó và hàng trăm người khác tham gia “cướp bia”. Tôi thật sự nhục nhã và thấy mình không còn tư cách để giáo dục con nữa. (“Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?”, Kiến thức)
Bên cạnh đó, từ những lời kêu gọi trên mạng, qua các tờ báo…nhiều người đã có những hành động cụ thể, gửi tiền giúp đỡ người tài xế bồi thường cho hãng bia. Tuy nhiên, sau một thời gian im lặng, có lẽ là để bàn bạc, hãng bia Tiger tuyên bố không bắt người lái xe phải đền. Là một thương hiệu lớn, hãng bia Tiger chắc chắn thừa hiểu rằng trong vụ “tai nạn” này, việc giành được thiện cảm của mọi người, cái đó lớn hơn số tiền 400 triệu bị mất nhiều. Cái nhạy bén của dân làm kinh doanh là vậy.
Cuối cùng là hành động hoàn trả lại toàn bộ số tiền hơn 200 triệu được nhận từ những người hảo tâm của anh tài xế với suy nghĩ đơn giản, chân thật: “Bây giờ ai cũng biết tôi không phải đền bù số bia bị thiệt hại nữa nên nếu cứ lấy số tiền này thì mọi người lại bảo tôi tham lam”.
Câu chuyện tưởng đáng buồn đã có được cái kết có hậu. Niềm tin lại nhen nhóm trong lòng chúng ta rằng vẫn còn đó sự tử tế, cảm giác biết xấu hổ, lòng tự trọng trong nhiều người Việt Nam.
Giá mà bao giờ người Việt chúng ta cũng biết xấu hổ, tự trọng, biết hối hận khi làm sai, biết chia sẻ trước hoạn nạn của người khác. Giá mà những hành vi “xấu xí”, vô cảm trong xã hội sẽ ngày càng ít đi.

Sức mạnh truyền thông

Nhưng qua vụ này, cũng phải thấy rằng một phần do tác động của truyền thông, của dư luận xã hội. Trong một môi trường báo chí không thực sự tự do và nhiều khi “lá cải”, “lá ngón” khá nhiều như ở VN, không phải bao giờ báo chí truyền thông cũng tạo ra được những hiệu ứng tốt đẹp, tích cực cho xã hội, nhưng ít nhất báo chí đã làm được điều đó qua những vụ như “hôi bia” hay vụ ông Chủ tịch phường 25 quận Bình Thạnh, TP.HCM trước đó bao che cho cấp dưới, phủi bay việc đám trật tự đô thị đánh một người bán hàng dạo đến ngất xỉu, trước sự phản ứng của dư luận đã phải xin lỗi và thừa nhận mình sai… chẳng hạn.
cuop-bia-3-250.jpg
Hình ảnh người dân cướp bia khi chiếc xe tải chở bia bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa vào chiều ngày 4 tháng 12 năm 2013 làm 1.500 thùng bia Tiger bị đổ xuống đường. Photo courtesy of Nguyễn Vĩnh Blog.
Và sau đó ít ngày, khi một chiếc xe tải khác cũng bị lật ở Quảng Ninh, hàng ngàn thùng sữa cô gái Hà Lan rơi xuống đường nhưng không ai giành giật, tranh cướp. Có phải vì dân Quảng Ninh “tử tế, có lòng tự trọng” hơn dân Đồng Nai hay một phần, cũng từ dư âm của vụ “hôi bia” bị lên án nặng nề?
Câu hỏi đặt ra là nếu hành vi “hôi của” không bị chụp ảnh, quay lại, đưa ra công luận và bị lên án, liệu những sự thức tỉnh, tử tế như vậy có xảy ra? Hay mỗi người sẽ ung dung vì việc làm của mình không bị ai nói gì, và tự nhủ: “Nhiều người cũng lấy chứ đâu riêng gì mình, vài lon bia hay vài két bia thì nhằm nhò gì, nhiều “thằng” quan to quan nhỏ còn “ăn” hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng, “ăn bẩn” không chừa bất cứ cái gì thì sao?".
Cái nguy hiểm là ở chỗ đó. Con người sống trong một xã hội, thường soi chiếu mình với những người xung quanh và rất dễ có những suy nghĩ, hành động giống với người khác. Đó là chưa kể “tâm lý bầy đàn”, hay hiệu ứng dây chuyền, khá mạnh nơi người Việt, cứ nhìn những vụ nào truyền thông làm ầm lên người dân cũng quan tâm hơn thì rõ.
Một xã hội lành, được điều hành bởi một cơ chế minh bạch, công khai, công bằng, thượng tôn pháp luật thì con người cũng lành, hiền lương hơn và ngược lại.
Mặc khác, đúng là người dân dù có tham, cũng chỉ nhỏ như… con muỗi nếu so với cái tham của các quan. Ở một cái xứ độc tài, tham nhũng từ lâu đã được xem là quốc nạn như VN, các quan to quan nhỏ mà đã tham thì hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng VN cũng biến mất, đất nước khánh kiệt, nợ nần chồng chất, dân lại phải è cổ ra trả hết đời này sang đời khác. Cứ nhìn vụ Vinalines, Dương Chí Dũng và đồng bọn bị xử mấy hôm nay thì thấy mức độ tham nhũng kinh hoàng như thế nào. Nhưng khác với vụ “hôi bia”, người dân tỉnh thức, tự dạy nhau, tự dạy mình, ở đây các quan đã bị lộ và chưa bị lộ lại chả có được những phẩm chất ấy!
Một dân tộc không biết xấu hổ thì đất nước không bao giờ thoát phận nhược tiểu, đói nghèo.
Song Chi
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

TƯỞNG NĂNG TIẾN * BỎ ĐẢNG


Biểu ngữ ca ngợi đảng treo khắp nẻo đường
AFP

Bỏ Đảng Chạy Lấy Người

Tưởng Năng Tiến, California
2013-12-19
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Đảng cộng sản Việt Nam đã tàn phá nặng nề khả năng phản biện, đầu độc tư tưởng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong tổ chức này ngay từ khi tâm hồn họ còn rất trong sáng, động lực đầy nhiệt huyết.- Nguyễn Chí Đức

Sau khi lòng vòng qua nhiều tiểu bang, cuối cùng, tôi dừng chân ở California. Vùng đất này không nóng như Texas và không lạnh như Kansas, hay Arkansas – nơi tôi đã trải qua một mùa đông mà cả đất lẫn trời đều trắng xoá như bông.

Bên cạnh cái ưu điểm nổi bật là khí hậu ôn hoà, quanh năm nắng ấm, sống ở California cũng có đôi điều bất tiện: động đất hoài hoài và khách khứa đều đều – dù bạn không mời, kể cả mời lơi. Khách đến chơi tuy không gây thiệt hại về nhân mạng, và tài sản như thiên tai nhưng cũng dễ để lại những đổ vỡ (tình cảm) còn phiền phức hơn động đất.

Không trước thì sau, người Việt tị nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới (thế nào) cũng có hôm bước chân đến Mỹ. Xong, chắc chắn sẽ phải phải ghé qua California – ít nhất cũng đôi ngày.

Bởi vậy, thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những cú điện thoại từ xa (nghe) hết sức ... bùi ngùi – đại khái như “văn kỳ thanh nhưng bất kiến kỳ hình nên muốn có dịp gặp gỡ để hàn huyên tâm sự,” hay (nghiêm trọng hơn) “để bàn chuyện quốc sự!”

Ý Trời, nói gì nghe thấy ghê dữ vậy?

Đã có không biết bao nhiêu độc giả (nhất định) phải vượt hàng vạn dặm đến California để gặp  tôi – một anh già mặt mũi dị hợm, sặc sụa hơi men, quần áo tả tơi, người ngợm hôi hám, ăn nói quàng xiên – cùng với một tiếng thở dài, khó nén!

Những vụ “diện kiến” bẽ bàng như thế là cơ hội rất tốt để thiên hạ ôn lại (và nhớ mãi) lời dậy của cổ nhân: người trông xa ma trông gần! Mà kinh nghiệm đắng cay này không chỉ đúng với con người mà còn đúng luôn cho những đảng phái tổ chức nữa (trông càng xa càng tốt) nhất là với Đảng CSVN.

Chính xác là bao xa, cho biết liền đi, sao nẫy giờ (chưa say) mà cứ lòng vòng hoài vậy - cha nội?

Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang
Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang

Theo tôi phải xa tuốt luốt tận Châu Âu, Châu Mỹ – hoặc Châu Phi càng tốt – còn nếu tại Châu Á thì tối thiểu cũng phải (xa) cỡ từ Nhật Bản:

Đỗ Diệu Hương, hiện đang học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại ĐH châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Oita, được kết nạp Đảng ở tuổi 20...
Diệu Hương nhận xét: “Ở VN, các chi bộ Đảng có thể họp mặt thường xuyên để quản lý và củng cố tư cách người đảng viên tốt hơn. Còn ở nước ngoài không có điều kiện như vậy nên việc rèn luyện bản thân là quan trọng nhất”.

Sống xa Tổ quốc, ngoài việc học tập, lao động và kỷ luật tốt cần phải tích cực tham gia giao lưu với cộng đồng quốc tế. Diệu Hương luôn ý thức được mình chính là tấm gương phản ánh thế hệ trẻ VN với bạn bè thế giới, vì vậy cần phải sống trách nhiệm và gương mẫu.

Nữ đảng viên Đỗ Diệu Hương, có lẽ, nên ở luôn bên Nhật để “rèn luyện bản thân” (cho nó chắn ăn) chớ sinh hoạt chi bộ đảng ở nước ta – xem ra – có vẻ linh tinh lắm. Khi blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên còn tại thế, tôi đã nghe ông kể vài “chuyện ngắn” sau:

1.Mình có quen một cậu là đảng viên, nhà ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Có lần mình vô tình nghe nó với thằng bạn là lái xe đường dài nói chuyện, thằng bạn hỏi:
- Thế ông đợt này ở nhà làm gì?
- Thì vẫn công tác đảng thôi. - Phải kiếm việc gì mà làm, chứ vô công rồi nghề thế thì chết!

2. Mình đi ăn thịt chó ở Vĩnh Phúc. Trong mâm có Phó Chủ tịch UBND xã, tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Rượu ngon,thịt chó ngon. Nhân câu chuyện về tình hình an ninh - trật tự ở địa phương, Phó Chủ tịch xã nói:
- Báo cáo các bác! Số nghiện hút phát hiện được ở địa phương bọn em là 31 đồng chí. Còn Đảng viên Chi bộ bọn em có... 16 thằng!

Chuyện thật 100%. Thằng Nguyên mà nói điêu thì làm con chó!

Tôi không dám nói là bác Nguyên “nói điêu” nhưng chuyện ông kể có vẻ hơi khó tin, ít nhất thì cũng không dễ tin bằng câu chuyện (tiếp theo) của bác Phạm Đình Trọng:

Những người bán hàng rong mỏi mòn chờ khách ở trung tâm thành phố Sài Gòn, 2013.
Những người bán hàng rong mỏi mòn chờ khách ở trung tâm thành phố Sài Gòn, 2013 AFP


Sáng chủ nhật, tôi vừa mở máy vi tính mới viết được mấy dòng thì có chuông gọi cửa làm đứt mạch suy nghĩ. Xuống cầu thang ra mở cửa, thấy ông hàng xóm là đảng viên cùng sinh hoạt tổ đảng với tôi mà ít ngày trước tôi đã phải mất một buổi tối họp kiểm điểm ông về cái tật lãng nhách, rất không đáng có ở một đảng viên của đảng cách mạng, đảng chính trị là tật tối ngày nhậu nhẹt bét nhè, bê tha, đã kéo dài suốt nhiều năm của ông. Nay một người như thế đến bảo tôi nộp cho ông bản thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh!

Kinh nghiệm của ông nhà văn tuy có hơi cay đắng nhưng (nói nào ngay) vẫn cũng chưa đến nỗi phũ phàng như trường hợp của ông Vi Đức Hồi, Giám Đốc Trường Đảng huyện Hữu Lũng – Lạng Sơn:

Bác trưởng khu đề nghị: -Bây giờ đến mục các đại biểu phát biểu ý kiến!
Chưa rứt lời, một cựu chiến binh có tên Miến,  đeo trên ngực một huy hiệu gì tôi cũng không để ý,  ông ta hung hăng xông lên bục vừa nói, vừa khua chân, múa tay vào mặt tôi. Ông ta nói tràng giang đại hải, kể về thành tích của mình tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người chủ trì phải nhắc ông ta đi vào trọng tâm, lúc này hình như ông ta mới sực nhớ ra những nội dung cần nói mà đã được chuẩn bị kỹ. Ông ta bắt đầu sỉ vả, xông đến trước mặt tôi chỉ tay vào mặt tôi định gây gổ, hành hung…
-Mày là thằng ngu! mày ngu lắm Hồi ạ! không biết mày học hành thế nào! tao thấy mày ngu lắm!
Mấy người bên dưới nhắc nhở ông ta bình tĩnh, ông ta quay lại bục rồi yêu cầu:

-Tôi đề nghị phải bắt nó lên đây đứng trước mọi người, không thể để nó ngồi như thế được. Thu toàn bộ đồng hồ, điện thoại và các tư trang của nó. Biết đâu bây giờ nó đang truyền thông trực tiếp ra nước ngoài thì chết chúng ta!

Phía dưới hội trường bắt đầu có người phản đối.

-Nói thế mà cũng nói được! nói thế hoá ra là mình làm sai!càng nói càng ngu. Mình làm đúng, nó đưa lên đến đâu cũng chẳng sợ, phải không?
-Thiếu gì người mà đi bồi dưỡng cho ông này lên phát biểu, dạy đời. Bản thân ông thì có tốt đẹp gì mà đi dạy người khác...
-Người ta phải dùng những người không bình thường như thế mới đạt được mục đích chứ!
Những người không bình thường như thế, trong Đảng, chắc hơi nhiều. Và đây có lẽ là một trong những lý do khiến ông Phạm Đình Trọng, và Vi Đức Hồi đành bỏ Đảng. Hai ông, tất nhiên, không phải là những người đâu tiên (hay cuối cùng) đã bỏ Đảng chạy lấy người.

Chỉ trong tuần lễ đầu tiên của tháng 12 năm 2013, lại có thêm thêm ba nhân vật nữa (luật sư Lê Hiếu Đằng, tiến sĩ Phạm Chí  Dũng và bác sĩ Nguyễn Đắc Diên) đã nộp đơn công khai xin ra khỏi Đảng. Nói một cách văn chương, và nói theo kiểu của nhà văn Trần Mạnh Hảo, là họ xin được ... ly thân.

Với thời gian, chuyện ly thân với người hôn phối, cũng như với Đảng – xem chừng – mỗi lúc một  thêm đông và thêm phức tạp.

Trước kia không mấy khi nghe ai nói tới chuyện ly thân, ly hôn, hay li dị. Nếp sống, cũng như ngôn ngữ (hồi trước) ngó bộ đỡ phức tạp hơn. Thỉnh thoảng, mới có người nhỏ giọng:
- Cô A và cậu B thôi không đi lại với nhau nữa.
Hoặc, trầm trọng hơn chút xíu:
- Ông C với bà Đ đã thôi ăn ở với nhau rồi.

Thôi là xong. Là hết chuyện. Là đường ai nấy đi. Là nhà ai nấy ở. Mạnh ai nấy sống. Đời ai nấy lo. Tiền ai nấy sài. Hồn ai nấy giữ!

Biệt ly, nếu không bịn rịn, không êm đềm, “không nhớ nhung từ đây” thì cũng (thường) êm thắm. Sóng gió, nếu có, ráng dấu trong lòng. Chớ đâu có cái vụ mang nhau ra toà, hay mang đơn xin ra khỏi Đảng phát tán (tùm lum) trên ... mạng – như mấy bữa rầy.

Thời thế, xem chừng, đã đổi. Gió, ngó bộ, cũng muốn chuyển rồi – theo như nhận định của  blogger Nguyễn Lân Thắng (nghe được) qua BBC vào hôm 6 tháng 12 vừa qua:

"Tôi nghĩ Đảng chưa bao giờ ở tình thế hiểm nghèo như thế này bởi những người trí thức tương đối có tiếng tăm, tương đối có uy tín ở trong xã hội, mà bây giờ họ tuyên bố ly khai khỏi Đảng, một cách chính thức."

"Đây là một tổn thất vô cùng lớn về mặt tính chính danh của Đảng, lúc này uy tín của Đảng không còn gì nữa, thực sự không còn gì nữa..."

"Hành động của ông Lê Hiếu Đằng và ông Phạm Chí Dũng có thể cũng dẫn đến một phong trào ly khai khỏi Đảng một cách ồ ạt, diễn ra với một số lượng lớn, và lúc đó sự cầm quyền của Đảng sẽ bị lung lay một cách rất dữ dội."
'Chưa ai biết điều gì xảy ra ở phía trước với bối cảnh của Việt Nam như hiện nay, tình hình sẽ còn thay đổi rất mạnh và rất nhiều. Và mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở đây."

Cùng lúc, trên diễn đàn RFA, blogger Nguyễn Ngọc Già cũng đã có nhận định tương tự: “... anh Đằng, anh Dũng, anh Diên bỏ đảng vừa rồi gây ra một làn sóng ...lớn.”

Chuyện “tình hình” hay “sóng gió” lớn/nhỏ ở Việt Nam ra sao – trong những ngày sắp tới – cái thứ người cả đời núp kỹ ở nước ngoài, và luôn luôn trốn biệt trong chai như tôi (e) không đủ tư cách để lạm bàn. Nhân dịp này, tôi chỉ xin nâng ly chúc mừng ba ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí  Dũng và Nguyễn Đắc Diên – những người ngay – vừa thoát nạn!

(Tưởng Năng Tiến, California 19-12-2013)

Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
 http://www.rfa.org/vietnamese/blog/leav-the-party-12192013141142.html

CÁNH CÒ * TIẾN SĨ ĐẢNG

Tiến sĩ đảng

Cánh Cò, viết từ Việt Nam
2013-12-12
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg8127378-305.jpg
Ảnh minh họa.
AFP photo
Nếu nói rằng thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư là loại bằng cấp chứng minh cho đẳng cấp trí thức thì đảng Cộng sản có thể hãnh diện nói rằng tổ chức này có một số trí thức “vượt trội” vì con số du học nước ngoài hay tự hoàn thiện mình trong nước qua các lớp bồi dưỡng, tu nghiệp không thể đếm hết.
Tuy nhiên, những bằng cấp ấy từ lâu nay vẫn bị người dân, giới ăn học thực sự xem bằng nửa con mắt vì tính chất giả mạo của nó.


Nói tới những người trong đảng phấn đấu học tới tiến sĩ, giáo sư người ta nghĩ ngay tới sự dối trá, đạo văn, mua bằng cấp và mua cả hội đồng xét duyệt khi buộc phải trình bày một luận án.
Những con người ấy tuy đang sống cùng cộng đồng nhưng họ có một khoảng cách rất lớn đối với đồng nghiệp, ngay cả láng giềng và bạn bè, bởi họ sợ một lúc nào đó sự giả dối của họ vô tình bị lật tẩy. Họ sống trong cái vỏ của đảng, nơi duy nhất chứa chấp, khuyến khích và đồng tình với những sai trái diễn ra hằng giờ trong guồng máy.
Thật ra những kẻ dựa vào thế của đảng để đi học, đi làm không hề muốn khoe khoang cái bằng cấp “phi doanh trường” của họ. Mảnh bằng rất dễ bị phát hiện là của giả khi vốn kiến thức của những kẻ cầm nó thường thấp kém đến thảm hại. Biết vậy nên họ cố giấu rằng mình là trí thức đảng. Họ sợ bị phát hiện như sợ người ta phát hiện họ tham nhũng.
Hầu hết các loại bằng cấp trên thế giới đều thiết thực nhắm tới việc phát triển quốc gia, xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam, có một loại bằng cấp chỉ thích hợp cho một tổ chức duy nhất là Đảng cộng sản và ngay tên gọi của nó đã nói lên đầy đủ khả năng người bảo vệ luận án: Tiến sĩ Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng.
Người có bằng cấp này làm việc gì, ở đâu không nói thì ai cũng biết.
Dĩ nhiên nếu cái đảng ấy hoạt động độc lập, ngân khoản để hoạt động là của đảng tự tìm ra thì việc đào tạo thành viên theo kiểu gì mấy ai để ý. Chỉ tội là cái đảng ấy lấy tiền thuế người dân bao nhiêu năm nay để củng cố vai vế, địa vị và hơn thế nữa, đi học để bảo vệ ghế ngồi và tìm cách biến sự cai trị ấy trở thành lý tưởng.
Lý tưởng độc quyền vơ vét là cái đích nhắm cuối cùng của từng đảng viên. Càng lên cao thì đích nhắm ấy càng rõ rệt và muốn vào được vị trí cao nhất thì phải có một mảnh bằng như thế: Tiến sĩ đảng.
Không phải tiến sĩ đảng nào cũng học hành vớ vẩn trong nước. Rất nhiều con cháu đảng viên đi học ở nước ngoài cũng cố hết sức tiến tới mục đích lấy bằng cấp hầu “thuê bao” cho vị trí chính trị của họ khi trở về nước. Mảnh bằng nước ngoài dĩ nhiên là không có chuyên ngành Bảo vệ đảng và do đó họ phải học bất cứ ngành nào mà một đại học nước ngoài chấp nhận.


Một phúc trình do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội công bố hồi gần đây cho biết số sinh viên Việt Nam hiện theo học ở Mỹ là 16.098 người trong niên khóa 2012-2013. Trong hơn 16 ngàn con người đó có bao nhiêu người trở về và bao nhiêu người có việc làm đúng khả năng vẫn không được ngành thống kê Việt Nam công khai cho dư luận. Nhưng người ta tin chắc rằng lực lượng con ông cháu cha khi đã học xong là trở về, bất cần họ tốt nghiệp về chuyên ngành nào.
Vì họ về để nắm quyền chứ không phải để làm việc.


Trường hợp thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh là một ví dụ.
Nguyễn Tuấn Anh trước đó không ai để ý vì tên tuổi anh ta không có gì nổi bật. Nếu không xảy ra việc anh này giật xấp tài liệu tuyên ngôn nhân quyền từ tay một blogger như hành vi một kẻ cướp thì chưa ai nhận ra anh ta là cán bộ của Ban Tuyên huấn Thành đoàn cũng như biết rằng anh ta từng du học ở Hoa Kỳ mới về nước vào tháng 3 năm 2013.


Từ hành động bất ngờ khó thể tha thứ này, một cán bộ thành đoàn, một du sinh vừa về từ nền đại học Mỹ, nơi luôn được đánh giá là hàng đầu về giáo dục và nhân quyền cho thấy rằng bằng cấp dù của Mỹ, khi được trao cho một đảng viên vẫn không tẩy được văn hoá cộng sản trong não trạng của họ.
Làm sao có thể giải thích được hành vi chợ búa của một người vừa bước chân ra khỏi môi trường dân chủ nhất thế giới để thay vì áp dụng nó cho đất nước lại quay ngoắt đi làm điều ngược lại?
Chỉ có thể giải thích rằng hầu như tiến sĩ đảng không thể tiêu hoá được tri thức của thế giới khi bộ óc đảng viên vẫn còn đặc sệt một loại tạp chất của các thứ chủ nghĩa tổng hợp mà nói theo ông TBT Nguyễn Phú Trọng thì cho đến hết thế kỷ này chưa chắc tìm thấy.


Tại sao không thể tìm thấy mà họ vẫn rồng rắn dẫn dắt nhau đi tìm một thứ bóng đen ảo tưởng?
Không. Họ không ảo tưởng. Họ chỉ tạo ảo tưởng cho dân chúng về cái đích phía trước nhưng thật ra họ đang len lén đi theo đường tắt để hướng về mục tiêu vinh thân phì gia. Họ giả vờ lạc đường để dân chúng cảm thán nhưng lại đang cười mỉm cho sự khờ khạo của người dân. Từ ông TBT cho tới một anh mới vào đảng hôm qua đều biết rất rõ là khi vào đảng, nắm được chiếc thẻ đỏ trên tay là nắm vận mệnh của một số người. Leo cao hơn thì con số người trong tay nhiều hơn và cuối cùng khi lên tới TBT thì nắm hết vận mệnh cả nước.
Tiến sĩ đảng đều biết như thế. Nguyễn Tuấn Anh biết như thế và họ đang thực hành công tác theo chiều hướng như thế.


Tổng Bí thư giật bản hiến pháp từ tay nhân dân vì chức vụ ông cao.
Nguyễn Tuấn Anh giật mớ giấy nhân quyền từ tay người dân vì chức anh ta còn nhỏ, thế thôi.
Càng lên cao thì anh ta càng có uy thế để giật những cái khác. Đó có thể là nhà, là đất là một hợp đồng, một dự án. Lên cao nữa anh ta sẽ giật mạng sống, giật tự do của một tập thể hay cá nhân nào đó và nếu cơ hội vào tay, ai dám nói là anh ta không dám giật cả cơ đồ vì thói quen cướp giật hình thành từ khi chỉ là một cán bộ thành đoàn?


Trí thức trong đảng rất nhiều, không thể phủ nhận điều này. Cũng vậy không thể phủ nhận trí thức trong đảng luôn im lặng trước những oan trái, bất công thậm chí những thoả hiệp có thể dẫn đến mất nước.
Có phải do bằng cấp mà trí thức đảng nhận được không phù hợp với thực tiễn đời sống nên chúng luôn gây di hoạ cho bản thân người học và nhận bằng? hay vì sự thẩm thấu kiến thức của đảng viên quá hạn hẹp khiến bao nhiêu điều hay lẽ phải xem chừng vẫn nằm ngoài bài học vỡ lòng?
Có phải sự hèn nhát đã tê liệt hoá mọi suy nghĩ, tư duy của trí thức đảng khiến họ chọn thái độ im lặng hay ngoảnh mặt như không biết những tệ nạn chung quanh?
Có phải những ưu đãi mà trí thức đảng nhận được từ hệ thống đã khiến họ nhìn lệch đi những sự kiện, con số, vấn đề đang làm đất nước ngày một lún sâu vào sự vô cảm, vô đạo đức đang tràn lan trên toàn xã hội?
Hành vi của Nguyễn Tuấn Anh không những nói lên tính cách thấp kém của một cá nhân khi tận dụng tối đa quyền hành của mình mà hơn thế, nó cho thấy sự ác ôn đang ngự trị trong toàn đảng, kể cả trí thức đảng. Hạ nhục, vu khống, hành hung, hay giam cầm người dân đã trở thành thuộc tính của từng đảng viên nếu cho y hoặc thị có cơ hội cầm chiếc dùi cui khủng bố người dân lành.
Chiếc dùi cui ấy hơn bốn mươi năm trước Tôn Thất Lập đã kêu lên đau xót: “Chiếc dùi cui anh cầm là của người bạn Mỹ. Nhưng người dân Việt là dân mình anh ơi!”.
Hơn bốn mươi năm sau lịch sử lập lại. Những chiếc dùi cui made in China đang thi nhau bổ vào đầu những người biểu tình chống Trung Quốc trước đây và những anh chị em phổ biến bản Tuyên ngôn phổ quát Nhân quyền của LHQ, phát bong bóng cỗ vũ cho quyền con người vào chiều tối 08 tháng 12 tại công viên 23/9 Sài Gòn.

Trí thức đảng tiếp tục im lặng. Hành vi côn đồ đảng đánh đập 9 người phân phát tuyên ngôn nhân quyền hình như không dính gì tới đảng.
Không biết sau cái ngày ấy khi Nguyễn Tuấn Anh họp thành đoàn anh ta sẽ giải thích thế nào về hành vi của mình?
Quan trọng hơn hết, không biết những đoàn viên - sắp lột vỏ thành đảng viên - nghĩ thế nào khi chứng kiến hay xem lại video clip đầy đủ hình ảnh Nguyễn Tuấn Anh giật xấp tài liệu nhân quyền trên tay blogger Hoàng Vi và bỏ chạy như một tên cướp ngày giữa thanh thiên bạch nhật? Các bạn đoàn viên ấy sẽ có hai thái độ. Hoặc im lặng, tiếp tục cúi đầu để sau này trở thành một Tuấn Anh thứ hai. Hay họ sẽ chọn hành động công khai từ bỏ đoàn thanh niên cộng sản như Nguyễn Phương Uyên đã làm?
Tiếc thay, chỉ có một Nguyễn Phương Uyên cương cường nhưng lẻ loi giữa hàng triệu con cừu chớm mọc nanh đang đua nhau chạy theo con đường của Nguyễn Tuấn Anh. Đảng còn hàng triệu người như thế: sẵn sàng và ao ước được như anh ta: được sang Mỹ du học và trở về tranh giật, ngay cả một thứ tài sản vô hình của người dân là nhân quyền.
Rất nhiều người tin rằng con ông cháu cha sang tây phương du học sẽ thấm được nền dân chủ của người bản xứ để khi về nước sẽ áp dụng chúng vào tình trạng của Việt Nam. Những suy nghĩ ấy đã được giải mã qua trường hợp của Tuấn Anh. Nó cho thấy sự thành công không thể chối cãi của đảng Cộng sản Việt Nam khi gieo trồng trí thức đảng trong hệ thống quyền lực của họ, và đặc biệt, những trí thức ấy rất tận tuỵ với những gì đảng ban phát để sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Tuấn Anh là một ví dụ sinh động nhất.
Không phải chỉ có Tuấn Anh vì hàng trăm ngàn trí thức đảng khác đang chong mắt nhìn và hơn thế đang tìm cách biện minh cho hành động côn đồ này từ một “đồng đảng” của họ.
Cánh Cò, Việt Nam 11-12-2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

LÊ DIỄN ĐƯC * NGÀY 13-12-2013

Ngày 13/12, một biến cố đau thương



Lê Diễn Đức
2013-12-13
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Par1061946-305.jpg
Một người dân Balan cầm nến đứng trước nhà Đại tướng Wojciech Jaruzelski tại Warsaw hôm 13/12/2006 nhân kỷ niệm 25 năm ngày đại tướng tuyên bố tình trạng Thiết Quân Luật
AFP photo
Hơn 44 năm dưới ách cai trị của chế độ cộng sản, ngày 13/12/1981 là ngày đánh dấu một gia đoạn đau thương, nó được mang ra bàn cãi và còn nhiều điểm đến nay vẫn chưa đồng thuận.

Từ khi chế độ cộng sản sụp đổ (năm 1989) hàng năm người Ba Lan vẫn kỷ niệm ngày 13/12 như là một biến cố lịch sử không thể nào quên. Còn rất nhiều người đang sống là nhân chứng của biến cố này.
Vào năm 2006, tại quốc hội Ba Lan, A. Kwasniewski, một cựu bộ trưởng thời cộng sản, Tổng thống Ba Lan dân chủ, đã chính thức xin lỗi nhân dân và xem ngày này là một tội ác cộng sản.


Thiết quân luật hay còn gọi là tình trạng chiến tranh được đại tướng W. Jaruzelski, người đứng đầu đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan, Chủ tịch Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc, công bố vào đêm 13/12/1981 (đêm thứ Bảy qua Chủ nhật).
Lý do chính thức của tình trạng thiết quân luật là tình hình kinh tế trong nước xấu đi, từ tháng tư đến tháng mười năm 1981 lại tái thực hiện hệ thống phân phối hàng hoá bằng tem phiếu cho nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, bơ, chất béo, bột, gạo, sữa cho trẻ sơ sinh, v.v., thiếu nguồn cung cấp cho các cửa hàng và mối đe dọa an ninh năng lượng cho mùa đông sắp tới.
Lý do thực sự là nỗi sợ hãi bị mất quyền lực của chế độ cộng sản, tức là mất kiểm soát đối với phong trào công đoàn độc lập và các phe phái khác nhau trong Đảng Cộng sản không đi đến thỏa thuận về hình thức và phạm vi cải cách hệ thống chính trị và kinh tế, trong khi sụt giảm mạnh sự hỗ trợ công chúng cho chính sách của nhà cầm quyền. Theo một cuộc thăm dò xã hội vào thàng 6/1981, chỉ có 24% số người được hỏi tin tưởng vào chính phủ, còn tới 62% ủng hộ Công đoàn Đoàn kết.
Lý do quan trọng hơn là mối đe dọa can thiệp quân sự của các nước trong khối Hiệp ước Warszawa. Tuy nhiên, trong ngày 13/12/1981, sau khi ban hành thiết quân luật, không thấy có sự di chuyển nào của quân đội Xô Viết. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ban hành một tuyên bố trong đó nói rằng "không thấy dấu hiệu di chuyển của quân đội Liên Xô".
Vào ngày 10 /12 tại Moscow, trong cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô, chính quyền Xô Viết tuyên bố rằng, sự can thiệp ở Ba Lan được coi như là một phương sách cuối cùng, chỉ trong trường hợp các lực lượng an ninh, quân đội và Đảng Cộng sản Ba Lan không thể đối phó với tình hình, nơi người ta lo ngại cuộc cách mạng chống Liên Xô trong quân đội Ba Lan. Trong cuộc họp, Yuri Andropov, uỷ viên Bộ Chính trị, đã phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của Liên Xô vào Ba Lan. 
Ông nói:
"Chúng ta không thể mạo hiểm. Chúng ta sẽ không có ý định đưa quân vào Ba Lan. Đây là lập trường đúng đắn và chúng ta phải giữ đến cùng. Tôi không biết làm thế nào trong trường hợp tình hình phát triển của Ba Lan, nhưng ngay cả khi Ba Lan thuộc quyền kiểm soát của "Đoàn kết", thì cũng chỉ biết như thế. Và nếu các nước tư bản sẽ tấn công Liên Xô, họ đã có sự sắp xếp thích ứng tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị, đối với chúng ta sẽ rất nặng nề. Chúng ta cần lo ngại cho đất nước của chúng ta,  cho việc củng cố của Liên Xô. Đây là dòng chính của chúng ta".
Kể từ giữa năm 1981 Liên Xô đã khẳng định giải quyết tình hình chỉ bằng "lực lượng quốc gia" (quân đội Ba Lan và lực lượng an ninh), bởi vì vào thời điểm đó đang có sự can thiệp tốn kém của Liên Xô ở Afghanistan. Ủy ban Trung ương Cộng sản Liên Xô đã bị thuyết phục rằng sự can thiệp quân sự vào Ba Lan ngay sau khi cuộc xâm lược Afghanistan, sẽ làm giảm triển vọng một cuộc chạy đua vũ khí toàn cầu và các lực lượng chiếm đóng của Liên Xô sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng sau khi có sự can thiệp, sẽ gặp phải kháng ngầm trong nước.
Theo sử gia Nga Rudolf Pichoji, qua các tài liệu lưu trữ của Liên Xô, sự can thiệp của quân đội Xô Viết đã không được đề cập tới, chỉ phía Ba Lan yêu cầu, tức tướng Wojciech Jaruzelski. Pichoji cũng cho hay rằng, phía Liên Xô đã không được thông báo về quyết định áp đặt thiết quân luật hay ngày dự kiến tiến hành.
Chính quyền cộng sản đã cho thấy đối thủ chính trị của họ mới là nguyên nhân của tình trạng này, thông qua sử dụng gần như độc quyền trong các phương tiện truyền thông đại chúng nhà nước (đài phát thanh, truyền hình, báo chí) - tuyên truyền mạnh mẽ, phá hoại Công đoàn Đoàn kết", tìm cách làm mất uy tín của nó trong con mắt của xã hội. Các phương tiện truyền thông đại chúng giả mạo và dối trá, thường thao tác các khẩu hiệu sô-vanh. Trong khi đó, phe đối lập với phương tiện nhỏ hơn nhiều, đã phổ biến rộng rãi một mô hình hấp dẫn, cáo buộc chính phủ áp đặt một "nền cai trị mới" hay "chiến tranh với nhân dân".
Thiết quân luật đã được đưa ra 16 tháng sau hàng loạt cuộc đình công trong những năm 1980 dẫn đến việc thành lập Công đoàn Đoàn kết và làm tan băng chính trị ở Ba Lan.
Đã có 70 ngàn binh sĩ quân đội, hàng chục ngàn lính dự bị đặt trong thế sẵn sàng, 30 ngàn viên chức thuộc Bộ Nội vụ, 1.750 xe tăng và 1.400 xe bọc thép, 500 chiến xa, 9.000 xe ô tô, một số phi đội máy bay trực thăng và máy bay vận tải được huy động cho đợt đàn áp. Liên lạc điện thoại bị vô hiệu hóa, giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ sáng, cấm công dân thay đổi nơi cư trú, ngưng phát hành báo chí (trừ báo của đảng và quân đội), phá sóng radio nước ngoài phát vào Ba Lan, đình chỉ công dân xuất cảnh, tạm thời đóng cửa các trường học...
Mười ngàn an ninh, mật vụ tham gia chiến dịch "Cây thông" bắt giữ những người được cho là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, đưa họ tới các nhà tù và những trung tâm giam giữ đã được chuẩn bị trước.
Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của thiết quân luật, trong các nhà tù và trại giam đã có khoảng 5 ngàn người. Trong giai đoạn thiết quân luật, có khoảng 10 ngàn người bị bắt giữ trong 49 trại giam trên cả nước, đa số gồm các nhà lãnh đạo của Công đoàn Đoàn Kết, trí thức liên kết với họ và nhà các hoạt động đối lập dân chủ. Bốn ngàn người trong số này đã bị buộc tội và có án tù, hàng ngàn công nhân bị sa thải, gần 2.900 người tự tử trong năm 1981, hàng trăm ngàn người dưới 35 tuổi đã bỏ chạy khỏi Ba Lan sang các nước phương Tây.
Trong năm 2006, theo Viện Tưởng nhớ Quốc gia, một cơ quan được thành lập sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ, chuyên điều tra tội ác chống lại Ba Lan, số người chết do bị bắn hoặc bị đánh đập trong giai đoạn 1981-1989 khoảng 100 người.
Ngày 16/3/2011 Tòa án Hiến pháp của Ba Lan dân chủ đã phán quyết việc ban hành tình trạng chiến tranh đã vi phạm các nguyên tắc về tính hợp pháp của chính hiến pháp của nhà nước cộng sản bấy giờ.
Quy mô đàn áp của nhà cầm quyền Ba Lan lớn và tàn bạo như vậy nhưng không dập tắt được phong trào đấu tranh. Ngay trong thời gian thiết quân luật, các cuộc biểu tình vẫn nổ ra.
Trong ngày quốc tế Lao động 1/5/1982 hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối tình trạng thiết quân luật với biểu ngữ "Thiết quân luật là bất hợp pháp".

Ngày 31/8/1982, người Ba Lan đồng loạt xuống đường biểu tình tại 34 tỉnh thành, kỷ niệm 2 năm này ngày ký "Thoả thuận Tháng Tám", là thoả thuận mà trong đó nhà nước cộng sản cho phép Công đoàn Đoàn kết hoạt động hợp pháp. Hơn 5.000 người đã bị bắt giữ, 3.000 người bị tòa án buộc các tội khác nhau, một số tờ báo bị đóng cửa và 800 nhà báo bị sa thải.
Thế giới lên án mạnh mẽ và cô lập Ba Lan. Mỹ và nhiều nước phương Tây tuyên bố bao vây kinh tế Ba Lan, nhưng đồng thời viện trợ tiền bạc, vật chất cho Công đoàn Đoàn Kết.
Ngày 22/07/1983 nhà cầm quyền cộng sản buộc phải tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh và giải thể Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc.
Cuộc tranh đấu với chế độ cộng sản quyết liệt vẫn tiếp diễn và tới tháng 6/1989, tức 6 năm sau khi tình trạng thiết quân luật được bãi bỏ, những người cộng sản mới chấp nhận ngồi vào bàn tròn đàm phán. Ngày 4/09/1989 cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong các nước cộng sản được tiến hành, khởi đầu cho sự sụp đổ toàn bộ hệ thống cộng sản tại châu Âu.
Thời gian thiết quân luật chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chẳng có chế độ độc tài cộng sản nào ôn hoà. Để giữ chế độ, nhà cầm quyền sẵn sàng dùng bạo lực với quy mô lớn, quân đội cũng được bổ sung vào lực lượng đàn áp. Càng gần đến ngày sụp đổ, nhà cầm quyền càng hung hăng và tàn bạo hơn.
Tuy nhiên, bạo lực đã không làm lùi bước ý chí tranh đấu. Người Ba Lan đã chịu dấn thân, hy sinh, tù đày. Trong hơn một năm rưỡi, số người bị bắt giam và có án tù lên tới 10 ngàn, đã nói lên rằng, cái giá của tự do rất đắt và cuộc tranh đấu vì dân chủ đòi hỏi một tinh thần bền bỉ, kiên cường.
Ở Việt Nam, một cuộc biểu tình chỉ bao gồm mấy chục người, an ninh mật vụ với con số gấp hai ba lần, gom vào một chuyến xe buýt chở đi là chấm dứt, thật chẳng có nghĩa bao nhiêu. Thực chất đây chỉ là một cuộc tập họp nhỏ tự phát của những người yêu nước, thiếu hẳn sự vận động quần chúng, hoặc quần chúng là một bầy đàn sống trong sợ hãi, thờ ơ với thời cuộc, ngu lâu không thể thuyết phục được. Con đường vì dân chủ, tự do của Việt Nam, vì thế, còn rất dài.
Lê Diễn Đức, 13-12-2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/blog/blog-131213-ledienduc-12132013162109.html

No comments: