Để tưởng niệm những người đã đi qua trong đời tôi : Nhạc Sĩ TRỊNH HƯNG
Tường thuật LÊ MỘNG NGUYÊN


Tôi được làm quen với NS Trịnh Hưng nhân dịp anh đi từ Lyon lên Paris đến dự buổi họp Bích Xuân ra mắt sách « Bao Giờ Anh Đỉ » ngày mồng một tháng 06-1997 tại Viện Pháp Việt Rue St-Jacques của Thủ đô nước Pháp. Ngay giây phút đầu, chúng tôi đã có cảm tình với nhau, anh ngồi bên cạnh tôi trong suốt Chiều Sinh Hoạt Văn Nghệ Sĩ để hàn huyên về đủ mọi vấn đề, và nhất là về TMBS. Sau khi trở lại Lyon (Số 10, avenue des Frères Lumière), anh viết thư chúc Tết (đề ngày 06-02-1998), chắc vì một khoảng thời gian bặt tin nên xin tôi thông cảm « vì nhiều việc lấn cấn quá, ít có thì giờ nên không thư thăm anh được, mong anh thứ lỗi cho… ». Trịnh Hưng cho tôi biết Nhạc Sĩ Lê Dinh, chủ trương báo Nghệ Thuật «đợi những bài mới của anh về Lê Mộng Nguyên (tác giả TMBS) và Mạnh Bích (tác giả Thôn Trăng)…».

Trong thư đề ngày 14-03-1998 gửi từ Lyon cho tôi, Trịnh Hưng kể lại trong trường hợp nào anh làm quen với TMBS : « Tôi vẫn ngưỡng mộ anh về tài nhạc từ lúc tôi chưa thành danh, nay tôi đọc thư tôi lại phát hiện ra anh viết văn cũng hay và còn làm thơ rất cảm xúc và ướt át quá. Năm l951, tôi còn là Bộ Đội Việt Minh, làm Văn Công, tôi đã được nghe họ hát nhiều bản nhạc TMBS của anh. Không biết từ đâu nó lại lọt ra vùng Kháng Chiến và được phổ biến mạnh. Lúc đó thời KC, già Hồ cấm tất cả mọi người hát các bản nhạc ủy mị và lãng mạn.

Chỉ được phép hát các bài Hùng Ca do KC làm mục đích chống Pháp mà thôi, còn các loại nhạc ủy mị thì họ cho là giảm tinh thần chiến đấu của Quân Đội đi. Nhưng ở đời thì bất cứ nơi nào, bất cứ ở trình độ nào, dù có học hay thôn quê nông dân, họ vẫn là con người và con người cần có tình lãng mạn, do vậy ta thấy ở các cụ ngày xưa đã cho ra hết ca dao tình tứ còn lưu truyền đến ngày nay. Bởi thế cho nên là con người ai cũng có tâm hồn lãng mạn, mà đã khổ sở về cuộc sống, đánh giặc đói khát, gian khổ rồi mà cả ngày chỉ còn nghe nhạc chém giết nó đâm nhàm chán và họ thèm những ca khúc tình tứ để giải sầu nổi lòng họ.

Vì thế mà tuy họ cấm gắt gao, nhưng các bài hát lãng mạn nào hợp với tâm trạng họ là họ in sâu vào đầu óc họ, họ không có hát tập thể hay chổ đông thì họ ca một mình hoặc có hai ba người cùng chí hướngđể giải tỏa nỗi lòng của họ… Do vậy tôi nghĩ như bài TMBS được hoan nghênh và âm thầm phổ biến một cách mau lẹ, họ hát theo nhau chứ đâu có biết bài nhạc, solfège ra làm sao. Tụi tôi ở Văn Công cũng vậy, cứ nghe họ hát là mình đờn thôi và tự chép ra nốt nhạc, có khi sai một vài nốt gì đó, vì họ hát sai nên mình ghi để đờn cũng sai luôn, nhưng đâu có quan trọng.

Năm1952 tôi về Thành, về Hà Nội, tôi đi đờn ở dancing cho lính Tây nhảy, họ cũng chơi ở đó cho ai nhảy slow, và tôi về nhà có dạy một số em học sinh đờn Hawai, họ học được ba tháng là thế nào cũng bắt tôi dạy họ bài TMBS của anh, vì vậy tôi cứ tưởng anh nhiều tuổi lắm. Khi đó tôi mới ngoài 20, tôi tưởng là một người làm được bài nhạc đó chắc đã lớn rồi, chứ đâu có ngờ anh còn quá trẻ và làm nhạc thành công quá sớm, lúc đó tôi chưa làm được một bài nhạc ngắn nào cả nên càng khâm phục. Rồi vào Saigon thì bài nhạc đó cũng thịnh hành. Không có một thanh niên hay thiếu nữ nào chả biết đến nó và hát nó… »


Tôi rất cảm động khi Trịnh Hưng viết trong thư – sau khi đọc qua những tài liệu về tôi – « Thơ văn của anh quá ướt át và cảm xúc lắm. Tôi thì cũng yêu thơ yêu nhạc, nhưng tôi bắt đầu là làm nhạc, mãi đến năm 1989 tôi bị cọng sản bắt đi tù 8 năm, vào tù họ không cho mình chơi nhạc, nên tôi bắt đầu làm thơ ». Trịnh Hưng viết tiếp, khiêm tốn, dịu dàng : « Thơ tôi làm không có lãng mạn tình tứ gì, mà chỉ có nói lên cảm xúc thấy các bà vợ Sĩ quan cộng Hòa lặn lội nuôi chồng 13 năm, thế chồng nuôi con nên người… »

Như tôi đã nhắc nhở trên Đài VNTD ngày thứ tư 14-05-2008, và theo NS Lê Dinh (Nghệ Thuật Số 2) : « Nhờ ở tù anh (Trịnh Hưng) phát triển được khả năng làm Thơ và anh đã được các báo xuất bản ở Hoa Kỳ cũng như ở Canada đăng nhiều bài thơ của anh rất được độc giả chú ý». Trong thư ngày 14-03-1998, có kèm theo bài thơ « Xin cám ơn em, Người Vợ Hiền » Mến tặng Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên bài thơ đầu tay làm trong Trại Tù CS, 1998 – Trại Hàm Tân, Thuận Hải – Hàm Tân. Kính tặng những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con :

Xin cám ơn em, cám ơn đời
Cám ơn người vợ của tôi ơi
Em là Tiên nữ Trời sai xuống
Trả nợ cho Anh, trả nợ Đời
Từ dạo ấy !
Em trở về vùng biển mặn
Vung đôi tay, níu chặt cuộc sống còn
Anh đi trả nợ nước non
Em về lặn lội nuôi con thế chồng
Chừ đây !
Tóc em không còn đen
Như dạo nào bên Thôn Vỹ
Mắt em không còn xanh
Như giòng Hương Giang thuở nọ
Nhưng!
Lòng em đẹp lắm
Đẹp như ánh trăng rằm
Tươi như hoa thắm
Mắt dịu như gió đầu thu
Là muôn ngàn tinh tú
Lấp lánh trên trời cao
Là Tiên Đào
Của hai chàng Nguyển – Lưu thuở trước
Là Ô Thước
Nhịp cầu tình của Chức Nữ Ngưu Lang
Bá Nha có một tiếng đàn
Trương Lương tiếng sáo, còn nàng là thơ
Nàng là thơ mà ta đang hát
Nàng là nhạc mà ta đang ca
Nàng cô đơn lòng ta thương tiếc
Ta thương nàng hay ta thương ta
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Lưng còng một gánh tuổi già theo sau
Thấy người mình luống thương đau
Nhìn mình, mình thấy thân sầu héo khô
Em ơi vạn nẻo sông Hồ
Mười ba năm biệt bây giờ là đây
Tiếc thương một tấm thân gầy
Kiếm buông hoen rỉ ra tay vuốt hờn
Gió từng cơn, gió từng cơn
Lá rừng, rừng lá hoàng hôn gọi sầu
Xa vời thế sự bể dâu
Tháng năm điểm bạc mái đầu phù cương

                                                                            * * *

Tuyệt vời là bài thơ viết trong trại tù CS 1998 mà tôi nhận định là một áng văn bất hủ, bất diệt mà Thi Sĩ TRỊNH HƯNG gửi tặng LMN, nhưng thật ra để « Xin cám ơn người vợ hiền » của nhà thơ, và nói rộng là tất cả « Những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con »… Supremum vale
Adieu pour la dernière fois !
Pr-Dr LE MONG NGUYEN Lauréat de l’Université Paris 1 – Panthéon Sorbonne, Auteur Compositeur-Membre de l’Académie des Sciences d’Outre -mer…